Đứng nhiều góc độ

Mọi người khi sinh ra ở mỗi thời kỳ sẽ thấy những vấn đề xoay quanh cuộc sống của mình. Người sống ở ven sông thường thấy những công việc như chèo ghe, đánh cá hay làm đồng ở hai bên bờ, nhờ vào đất bồi. Họ cũng thường nói chuyện về những vấn đề liên quan đến sông nước. Những người sống ven biển thường bàn về cá, muối, cách ra khơi và những chuyến đánh bắt xa bờ. Họ thường bàn về thời tiết và những chiếc thuyền đầy ắp cá. Những người sống gần rừng hay trong rừng thường thấy những con thú rừng và các loại cỏ, thảo mộc mà thiên nhiên ban tặng. Họ có những chuyến đi săn để tìm thực phẩm, và cách họ giữ thức ăn trong rừng khác với ở biển. Cách họ nói chuyện và trao đổi những câu chuyện hàng ngày cũng khác nhau.

Chúng ta, những người sống ở thành phố, thấy sự xa hoa, chợ búa, và thường xuyên nói về các món ăn từ các vùng miền. Chúng ta hay tìm cách so sánh đồ ăn giữa vùng này và vùng kia, nơi mà chúng ta gặp gỡ những người từ những vùng miền khác nhau với ngôn ngữ và giọng nói khác nhau. Nhiều lúc, chúng ta còn chọc ghẹo nhau vì giọng nói.

Vì những người sống ở thành phố được hưởng quyền lợi về văn hóa trộn lẫn giữa các vùng miền, nên họ tiếp thu cái mới nhanh hơn so với những người sống trong một cộng đồng nhỏ ở vùng quê. Những thanh niên di chuyển từ vùng quê lên thành phố lớn sẽ mau chóng bắt kịp văn hóa và phong cách sống. Cái khó là nếu một thanh niên trước khi đến thành phố lớn chưa từng đi nhiều nơi, chưa tiếp xúc với nhiều người từ các địa phương khác, thì họ sẽ khó thấy được những điều mới mẻ. Có thể họ giỏi, nhưng số đó rất ít. Những thanh niên trẻ đến thành phố càng sớm sẽ được tiếp thu cái mới, nền văn minh phát triển hơn, và học được các phương pháp tiếp cận tri thức và kiến thức trong đời sống. Thành phố sẽ sinh ra nhiều người thành công hơn ở vùng quê.

Để trở thành một người thành công, chúng ta phải đi nhiều nơi hơn, không chỉ ở một thành phố lớn, mà còn phải sống ở nhiều thành phố lớn khác. Khi học hỏi nhiều kiến thức ở những thành phố khác, chúng ta mới hiểu và lựa chọn văn hóa riêng cho mình. Có nhiều nơi với văn hóa không tốt mà chúng ta không nên áp dụng, nhưng cũng có những nơi có văn hóa tốt mà chúng ta có thể áp dụng trong đời sống, giúp thanh niên trẻ có cái nhìn tổng quan hơn và chắt lọc điều gì nên hay không nên trong cuộc sống của họ.

Đôi khi, những thanh niên ở thành phố lớn cũng cần đi nhiều nơi như vùng quê để thấy rõ hơn những điều mà mình chỉ nhìn qua hình ảnh truyền hình. Một thanh niên sống ở thành phố mà muốn thấy tàu ra khơi hay những mẻ cá đầy ắp thuyền sau một tháng đánh bắt ngoài khơi thì họ phải di chuyển đến những vùng biển và thấy thực tế. Thực tế rất khác xa với những gì mình nghe và thấy. Chính thực tế làm cho chúng ta có cảm xúc; khi thấy một chiếc thuyền đầy ắp cá hoặc đứng trên thuyền để ra khơi đánh lưới, chúng ta mới hiểu được vấn đề.

Thanh niên cần đi nhiều nơi và sống trong những môi trường khác nhau. Đi du lịch để nhìn khác với việc sống ở đó cùng người địa phương; họ ăn gì thì mình ăn đó, phải sống như cách họ sống mới hiểu được gốc rễ vấn đề. Chỉ nhìn và chụp hình khi đi du lịch sẽ không mang lại những cảm xúc thật. Khi thấy được rõ vấn đề và khám phá cái chưa biết, chúng ta sẽ có nhiều ý tưởng mới trong công việc.

Làm sao mình có thể bán một sản phẩm nơi mình ở cho những nơi khác khi mình chưa biết văn hóa con người ở nơi mình bán? Ở vùng nhiệt đới, trái dừa rất dễ tìm và giá cũng rất rẻ, nhưng đến một nơi khác, một trái dừa có thể bán bằng tiền một ngày ăn của mình. Nhiều khi chúng ta hay nói rằng cái đó ở quê không ai thèm ăn, nhưng ở đây mọi người còn phải trả tiền nữa. Đây là sự thật; nên sản phẩm ở nơi này có thể rất rẻ nhưng mang đi chỗ khác lại có giá rất cao, và họ làm nên sự giàu có nhờ điều này.

Để hiểu và thấy được nơi nào thiếu, chúng ta phải đi khám phá, tự mình tìm hiểu. Chúng ta đi chợ ở thành phố, khó thấy một con cá biển nào còn sống; toàn thấy cá đông lạnh được ướp đá. Còn ở những vùng biển, nhiều người bắt cá từ dưới nước lên vẫn thấy cá còn sống. Việc giữ cá từ biển còn tươi cho đến thành phố lớn sẽ giúp chúng ta kiếm được rất nhiều tiền từ đó.

Bạn có biết tại sao người sếp giỏi hơn nhân viên không? Người nhân viên suốt ngày chỉ làm một công việc được chỉ định, trong khi người sếp làm nhiều công việc, nhiều khâu và tiếp xúc với tất cả các khâu trong công xưởng. Họ không chỉ ở bên trong công xưởng mà còn có cơ hội tiếp xúc bên ngoài, gặp gỡ khách hàng và nhà cung cấp. Điều họ thấy được nhiều hơn một nhân viên là vậy. Để trở thành người hiểu biết nhiều, chúng ta chỉ có cách phải đi nhiều, không cần đọc nhiều. Đọc nhiều chỉ là lý thuyết, còn đi mới là thực tế; đi nhiều và sống với nó, chúng ta mới trải nghiệm được.

Tôi không thích đi những chuyến nghỉ dưỡng ở những khách sạn mà ở đó họ cung cấp hết mọi thứ như thức ăn, người dọn phòng và hồ bơi sát biển. Tôi thích tự mình đi đến những vùng biển, tự mua thức ăn, đón ánh bình minh và thưởng thức món ăn từ những con cá tươi mà tôi tự chọn và nấu.

Vợ tôi làm ở công ty lớn, hàng năm công ty tổ chức những chuyến đi nghỉ dưỡng, nên cô ấy biết cách đặt phòng ở khách sạn, biết cách chọn khách sạn và dịch vụ nào tốt hơn, cũng như thực đơn ăn uống của từng khách sạn. Kỳ nghỉ dưỡng bốn ngày, tôi được đến một resort – nơi mà bạn chỉ cần trả tiền và họ sẽ phục vụ từ chỗ ăn đến chỗ ngủ và cả giải trí. Di chuyển từ Sài Gòn đi Phan Thiết, cũng có dịch vụ khách sạn chở chúng tôi đi. Họ đến tận nhà để đón cả gia đình tôi. Bạn thấy có tuyệt không? Khi đi trên đường, họ còn cho chúng tôi dịch vụ ngồi xe thoải mái, có cả nước uống và bánh ngọt; phải đi mất khoảng mấy tiếng thì đến khu resort để nghỉ dưỡng. Mọi thủ tục được tiếp tân hướng dẫn xong, vào đến phòng là đã thấy hành lý trong phòng, hành lý cũng được người khác mang tận phòng. Sau khi vào phòng, chúng tôi nghỉ ngơi, tắm nước nóng; mọi thứ trong phòng được sắp xếp chỉnh chu, từng góc phòng đã được lau chùi sạch sẽ, không có điểm nào để than phiền.

Sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi đi ăn. Khách sạn bày thức ăn trước mặt và chỉ việc ngồi vào ăn. Những món ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí khăn giấy cũng được xếp thành hoa. Chúng tôi dùng bữa trưa ở khách sạn xong, về nghỉ ngơi rồi thay đồ đi bơi. Hồ bơi tràn bờ, có cả hồ bơi nước ngọt và nước mặn. Thậm chí dừa ở đó cũng được chặt ra và cắm ống hút vào gọn gàng. Chúng ta chỉ cần chi tiền là họ sẽ làm chúng ta hài lòng. Ở đây bạn không cần quét nhà hay lau nhà, thậm chí quần áo cũng không cần phải giặt, đã có người làm hết và họ còn xịt dầu thơm vào nữa.

Ở resort này, bạn chỉ cần nghỉ dưỡng, không cần làm gì hết, chỉ ăn và chơi, ngủ. Rảnh thì đi lòng vòng xem những người công nhân làm vườn. Bạn không cần phải mệt mỏi khó chịu vì đã có người phục vụ chu đáo. Khi bạn đi bơi, cũng có người đứng trên bờ để trợ giúp nếu bạn gặp vấn đề. Bạn ở trong resort không cần phải ra ngoài biển vì ở trong đã có hồ nước mặn được diệt khuẩn. Còn biển thì có vẻ không sạch cho lắm và có nhiều sóng. Tôi chọn sự khó khăn, nên chỉ mỗi mình tôi tắm biển, còn hầu hết mọi người ở resort đều ở trong hồ bơi.

Nhưng một điều mà tôi không thích là sau những năm tháng tôi đi đến những nơi xa trước khi lập gia đình. Tôi đã từng một mình đi đến những đất nước xa lạ, tự mình mua vé và chọn phương tiện di chuyển sao cho tiện lợi nhất. Đến một nơi lạ, tôi tự đi khám phá bằng cách vào các khu chợ địa phương. Trên phim, chúng ta thấy các khu chợ địa phương dành cho người dân không sạch sẽ như trong siêu thị; điều này là thật. Không phải nước nào phát triển cũng sạch, vì buổi tối chuột và gián chạy ầm ầm, có khi còn chạy lên chân mình. Tôi tự đi tìm nhà trọ chứ không phải những khách sạn sang trọng, rồi tự mua rau củ quả ngoài chợ để nấu những bữa ăn cho riêng mình. Cái tôi thấy được là chợ ở những đất nước khác bán những loại hoa quả không giống với đất nước mình.

Ở nhiều quốc gia, cùng một trái chanh nhưng ở Trung Quốc trái chanh khác với ở Việt Nam, khác với ở Singapore và cũng không giống ở Philippines. Chúng ta cứ nghĩ biển là biển, nhưng hãy quan sát thật kỹ ở những chợ truyền thống; cá ở đó không giống với những quốc gia khác, cả về màu sắc lẫn kích thước. Khi tôi đến chợ ở Trung Quốc, họ bán rất nhiều cá và những con cá rất lớn mà tôi chưa bao giờ thấy. Rồi tôi qua Philippines, họ bán những con cá nhỏ hơn rất nhiều và cũng không đa dạng như bên Trung Quốc. Còn cá ở Việt Nam thì sao? Với tôi, cá ở Việt Nam quá ít loại mà loại nào cũng nhỏ bé. Mới đây, tôi thấy ở Việt Nam họ bán cá ngừ to bằng con người, nhưng hồi tôi còn nhỏ tôi không thấy, vì chúng ta mang đi xuất khẩu hoặc không có dụng cụ để đánh bắt những loại cá này.

Còn thanh long ở Việt Nam chúng ta thấy quả rất to và mọng nước, nhưng khi tôi qua Philippines, họ bán trong siêu thị trái nào cũng héo và rất nhỏ, chỉ bằng nắm tay. Còn cam ở đó trông không được ngọt như ở Việt Nam. Nếu ai đó có ý tưởng mang cam Việt Nam sang Philippines mà còn giữ được độ tươi như ở Việt Nam, họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền.

Quay lại vấn đề, chúng ta đến những nơi như resort hoặc những địa điểm chưa bị bàn tay con người can thiệp, để tự khám phá. Có thể nơi đó đẹp hoặc không đẹp, điều đó không quan trọng; miễn là nó cho chúng ta cái nhìn rõ nét hơn về thực tế. Bạn đến những nơi mà resort không muốn cho bạn biết, như khu vực xử lý côn trùng, bếp ăn, thậm chí là nơi giặt đồ hay kho chứa đồ, và cả khu xử lý chất bẩn. Những nơi này phản ánh thực tế, còn cái chúng ta thấy đẹp chỉ là hình ảnh bề ngoài, giống như việc xem tivi mà thôi.

Tôi muốn thấy điều gì thiên nhiên tạo ra, không phải do con người can thiệp. Nước biển tuy bẩn, nhưng khi chúng ta xuống biển tắm, chúng ta sẽ thấy sự to lớn, hùng vĩ; từng con sóng đánh bạc đầu cho chúng ta cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng. Khi đi bộ ra xa bờ, chúng ta sẽ có cảm giác sợ hãi, với suy nghĩ lỡ bị nước cuốn ra thì sao. Đây mới là điều chúng ta cần thấy và cảm nhận. Và đây là điều mà thanh niên trẻ cần phải thấy, để khi mình hành động, mình sẽ thấy cái khó khăn trước, sau đó thấy cái đẹp sau.

Để có được cái đẹp, chúng ta phải trải qua sự khó khăn; cái khó đến trước rồi cái đẹp mới đến sau. Thanh niên lớn lên phải được thấy và trải nghiệm những điều này, trải nghiệm thực tế những gì thiên nhiên tạo ra càng không có bàn tay con người can thiệp càng dễ học và dễ áp dụng sau này.

Người ta nói ăn trái cây loại F0 là thế hệ gốc, tức là giống cây ban đầu trước khi được lai tạo, vị tự nhiên. Chúng ta nên ăn loại trái cây F0 mới có thể so sánh được loại nào ngon hơn loại nào. Và phải đi từ gốc rễ, vì ở một góc độ chúng ta chỉ thấy một mặt của vấn đề. Việc đứng từ nhiều góc độ sẽ giúp chúng ta học được nhiều vấn đề và mở rộng hơn cho bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *