THIỀN ĐỊNH

I. Mục đích của ngồi thiền.

Mục đích của ngồi thiền là gì?Thiền giải quyết vấn đề gì cho cuộc sống?

Khi chưa ngồi thiền, bạn sẽ gặp phải những vấn đề trong cuộc sống làm cho não bạn loạn choạng, suy nghĩ tiêu cực. Điều này khiến tinh thần bạn bấn loạn, tim đập nhanh và hơi thở trở nên dồn dập. Lo lắng là điều tự nhiên, vì bất kể bạn thuộc dân tộc hay quốc gia nào, bạn đều có cảm xúc như nhau.

Khi bạn ngồi thiền, bạn có thể giải quyết những vấn đề đó. Khi gặp trở ngại trong cuộc sống, não của bạn sẽ không còn loạn choạng, cảm xúc sẽ không tăng lên hay hạ xuống đột ngột. Tinh thần bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, và áp lực sẽ không dồn lên quá cao, giúp tim bạn đập với nhịp ổn định hơn.

Xác định mục đích ngồi thiền là rất quan trọng để có định hướng đúng đắn. Kết quả của việc thiền là khi bạn gặp trở ngại, bạn có thể kiểm soát được suy nghĩ và giải quyết vấn đề gần như trọn vẹn.

Những câu hỏi về trở ngại khi thiền:

1. Làm sao để thiền mà khi gặp những vấn đề lớn, mình vẫn có thể vượt qua?
Để thiền và vượt qua những vấn đề lớn, bạn cần thực hành những kỹ thuật như:
– Tập trung vào hơi thở: Khi cảm thấy lo lắng, hãy quay lại với hơi thở của mình. Hít vào sâu và thở ra từ từ để làm dịu cảm xúc.
– Chấp nhận cảm xúc: Nhận biết cảm giác sợ hãi mà không phán xét. Chấp nhận rằng cảm xúc đó là tự nhiên và sẽ qua đi.
– Thực hành thiền chánh niệm: Duy trì sự chú ý vào hiện tại thay vì lo lắng về tương lai. Điều này giúp bạn giảm bớt căng thẳng.

2.Làm sao để thiền vượt qua những cảm giác ngứa hay đau vật lý?
Để vượt qua cảm giác ngứa hay đau khi thiền, bạn có thể:
– Chuyển sự chú ý: Thay vì tập trung vào cơn ngứa hay đau, hãy chuyển sự chú ý đến hơi thở hoặc một điểm cố định.
– Sử dụng kỹ thuật thiền thân: Tập trung vào cảm giác trong cơ thể, từ đầu đến chân, và nhận diện cơn đau mà không phản ứng với nó.
– Chấp nhận cảm giác: Nhận biết rằng cơn đau hay ngứa không phải là điều xấu; chúng chỉ là cảm giác tạm thời.

3. Có thể thiền mọi lúc mọi nơi không? Có cần phải ngồi bất động mới gọi là thiền không?
– Có, bạn có thể thiền mọi lúc mọi nơi. Thiền không nhất thiết phải ngồi yên tĩnh. Bạn có thể thiền khi đi bộ, làm việc, hay thậm chí là trong lúc nấu ăn.
– Thiền chánh niệm: Đây là một cách thiền có thể thực hiện trong các hoạt động hàng ngày. Hãy chú ý đến những gì bạn đang làm, cảm nhận từng hành động và cảm xúc mà không bị phân tâm.
– Thiền động: Thực hành thiền trong khi di chuyển, như khi đi bộ hay tập yoga, cũng rất hiệu quả.

II. Nghĩ về buông bỏ – Làm cho người khác hạnh phúc – Bỏ lòng tham

Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, việc thiền định trở nên rất khó khăn. Tâm trí chúng ta thường bị cuốn vào những suy nghĩ về cách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và kiểm soát mọi thứ, muốn chu toàn cho tất cả mọi người mà không thiệt thòi cho bản thân. Trong những lúc như vậy, thật khó để thiền. Trí não cứ mãi nghĩ về những vấn đề đang xảy ra.

Phương pháp giải quyết là phải nghĩ về việc buông bỏ, làm cho người khác hạnh phúc và từ bỏ lòng tham. Bởi vì vật chất luôn thay đổi, và những gì chúng ta nghĩ chỉ là suy nghĩ. Sự vật, hiện tượng cũng biến đổi theo từng giờ, từng phút. Chúng ta không thể điều khiển hay quyết định mọi thứ. Có thể may mắn hay không, nhưng chúng ta phải chấp nhận. Nếu được lợi thì tốt, không có lợi thì buồn. Do đó, chúng ta cần buông bỏ mọi thứ để tâm trí không còn nghĩ đến được mất. Đó chính là buông bỏ.

Đây là một vấn đề rất phổ biến khi chúng ta đối mặt với những khó khăn và thách thức lớn trong cuộc sống. Có nhiều lý do khiến việc ngồi thiền trở nên khó khăn trong những thời điểm như vậy:

  • Tâm trí bị xao lãng: Khi gặp những vấn đề lớn, tâm trí chúng ta thường bị cuốn vào việc suy nghĩ, phân tích, và tìm cách giải quyết. Điều này khiến chúng ta khó tập trung vào thiền định.
  • Căng thẳng và lo lắng gia tăng: Những vấn đề lớn thường gây ra cảm giác căng thẳng, bất an và lo lắng. Những trạng thái này làm cho tâm trí khó đạt được sự bình lặng cần thiết cho thiền.
  • Cảm giác cấp bách: Khi đối mặt với vấn đề lớn, chúng ta thường muốn tìm ra giải pháp ngay lập tức. Điều này khiến chúng ta thiếu kiên nhẫn và không muốn dành thời gian cho thiền định.
  • Cảm giác vô vọng: Đôi khi, trước những vấn đề quá lớn, chúng ta cảm thấy vô vọng và nghĩ rằng thiền định cũng không thể giúp ích gì. Điều này càng làm tăng thêm sự xa lánh đối với thiền.

Tuy nhiên, chính những lúc gặp khó khăn lớn như vậy, việc thực hành thiền lại càng trở nên quan trọng. Thiền giúp chúng ta bình tĩnh, tập trung và có sự sáng suốt cần thiết để đối mặt với vấn đề. Hãy cố gắng thực hành thiền, dù chỉ 5-10 phút mỗi ngày; bạn sẽ dần cảm nhận được những lợi ích của nó.

III. Tại sao bạn thiền nhưng vẫn chưa chế ngự được lòng tham

Lòng tham là một phần tự nhiên của con người, được hình thành từ bản chất và giáo dục. Mục đích của lòng tham là để cơ thể thoải mái hơn, để sở hữu nhiều của cải, vật chất và những thứ không cần thiết. Càng tích trữ nhiều, người ta càng cảm thấy an tâm hơn trong cuộc sống. Khi có vấn đề xảy ra, họ nghĩ rằng mình sẽ có dự trữ để phòng ngừa.

Khi thiền, lòng tham sẽ giảm bớt theo thời gian, chứ không thể giảm ngay chỉ trong một hoặc hai năm. Có thể lòng tham sẽ giảm từ 10 xuống còn 5 phần. Càng tu tập, bạn càng cần phải loại bỏ lòng tham bằng cách nhận diện và thực hành khi lòng tham nổi lên, vì đó cũng là lúc cái tôi đang trỗi dậy.

Bạn cần tập kiểm soát và buông bỏ. Buông bỏ có nghĩa là khi cảm giác tham lam nổi lên, bạn phải nhận ra nó và không để nó chi phối suy nghĩ của mình. Chính vì vậy, bạn nên kiểm soát hơi thở hoặc chạm vào một vật như nút áo hay cổ áo để tịnh tâm. Hãy nghĩ thật chậm và tự nhắc nhở mình rằng: “Mọi thứ đều hư vô.” Nếu bạn coi lòng tham là lớn, thì hậu quả cũng sẽ lớn theo. Hôm nay bạn gieo hạt nào, tương lai sẽ gặt hái kết quả của hạt đó. Nếu gieo hạt xấu, chắc chắn bạn sẽ nhận được kết quả xấu trong tương lai.

Tập thực hành để làm chủ lòng tham từ nhỏ dần dần sẽ giúp bạn kiểm soát được lòng tham lớn hơn. Sau này, bạn sẽ có khả năng kiểm soát cái tôi của mình tốt hơn.

IV. Thiền không chỉ là ngồi yên

  1. Thiền không chỉ là ngồi yên và tập trung vào hơi thở.

Tại sao người ta thường nói về việc tập trung vào hơi thở? Thực chất, rất khó để não bộ tập trung khi mình không làm gì, vì não luôn hoạt động và suy nghĩ là “công việc” của nó. Nếu não không suy nghĩ, nó sẽ “chết”. Do đó, để dễ dàng tập trung, bạn cần hướng sự chú ý của mình vào một vấn đề cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định.

  1. Đi cũng thiền được, ăn cũng thiền được, và ngay cả trước khi ngủ cũng thiền được (khi đã ngủ thì không thể thiền). Bạn có thể thiền trong khi làm việc. Điều này chứng tỏ rằng thiền có thể thực hiện ở bất cứ đâu và trong bất kỳ hoạt động nào. Hiểu một cách sâu sắc hơn, thiền là khi bạn tập trung vào chính vấn đề mà mình đang làm, không để tâm trí lạc trôi sang những vấn đề khác.

Ví dụ: Trước khi biết đến thiền, mỗi buổi sáng tôi dậy sớm để tập thể dục bằng cách đi bộ. Khoảng 4 giờ 30 sáng, tôi dậy và trong lúc vệ sinh cá nhân, tôi thường suy nghĩ về công việc, gia đình và bạn bè. Đôi khi, tôi suy nghĩ về cách giải quyết vấn đề, khiến tâm trí tôi chạy theo những suy nghĩ này và quên mất việc quan trọng nhất — đánh răng cho thật sạch. Sau khi vệ sinh xong, tôi không nhớ nổi những gì mình đã nghĩ, và cảm giác đó thật vô nghĩa.

Khi thay đồ để ra ngoài đi bộ, tôi bắt đầu tìm cách đặt câu hỏi và tự giải quyết vấn đề trong đầu. Nhưng thực tế, những suy nghĩ lướt qua mà không để lại cách giải quyết nào. Thời gian dài như vậy khiến tôi cảm thấy mệt mỏi mà không biết lý do.

Khi tìm hiểu về thiền, tôi nhận ra rằng không nên làm vấn đề A mà lại nghĩ về vấn đề B. Khi thực hiện vấn đề A, tôi chỉ tập trung vào nó và giải quyết cho xong. Khi đánh răng, tôi tập trung vào từng chiếc răng, chú tâm vào chính xác việc mình đang làm.

  1. Luyện tập thường xuyên để tránh sao lãng.

Phương pháp luyện tập là khi bạn làm việc gì, nếu tâm trí lạc đi, hãy kéo trở lại. Ví dụ, khi lái xe, nếu bạn bắt đầu suy nghĩ về vấn đề khác, như một kỷ niệm từ thời thơ ấu, hãy kéo suy nghĩ của mình về lại với việc lái xe. Tập luyện cách nhận biết khi nào tâm trí bạn sao lãng là cách dễ nhất để giữ tập trung.

Một ví dụ khác: khi đọc sách, bạn có thể suy nghĩ về vấn đề khác và không nhớ nội dung đã đọc. Do đó, hãy luyện tập chú ý vào từng câu chữ, cố gắng không nghĩ đến điều gì khác. Nếu bạn nhận ra mình đang lạc trôi, hãy kéo tâm trí trở lại với nội dung hiện tại.

Thiền có thể diễn ra trong nhiều hoạt động khác nhau: nấu ăn, làm việc, đi xe, hay nói chuyện. Thiền đơn giản là sự chú ý và tập trung. Khi luyện tập thường xuyên, não bộ sẽ hình thành thói quen. Bạn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề lớn trong cuộc sống.

V. Thiền định làm cho bạn đơn giản hơn

Bạn cần hiểu rằng khi sinh ra bạn không có gì cả. Khi lớn lên, bạn bắt đầu có những nhu cầu cho chính bản thân mình. Điều này là tự nhiên, không phải do bạn tạo ra.

Khi bạn trưởng thành, bạn học hỏi từ xã hội, trường học và gia đình, từ đó phát sinh nhiều nhu cầu để làm thỏa mãn cuộc sống của mình. Mọi thứ dần dần ăn sâu vào trí não mà bạn không nhận ra, tạo thành thói quen. Giống như việc bạn ham ngủ, não bộ sẽ hình thành thói quen đó. Nhiều người cũng bắt đầu nhậu nhẹt; ban đầu không ai biết nhậu, nhưng khi thực hiện nhiều lần, não bạn quen với thói quen đó mà không nhận ra. Khi có ai đó chỉ ra sai lầm, bạn mới nhận thức rằng nhậu không đúng với mục đích của mình. Thoát khỏi thói quen này rất khó vì não điều khiển cảm xúc, khiến bạn đau khổ. Chỉ có tiếp tục nhậu mới giúp bạn quên đi nỗi đau đó. Chính vì vậy, thiền giúp bạn làm yếu đi ảnh hưởng của não, làm cho nó không còn mạnh mẽ để điều khiển bạn. Khi đó, bạn sẽ nhận ra điều gì thực sự quan trọng hơn: đi nhậu hay tập trung vào phát triển bản thân.

Ham muốn vật chất, cảm xúc và những gì liên quan đến tham vọng đều cần được kiểm soát. Ham muốn sẽ ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu của bạn. Nhiều người yêu thích làm việc, nhiều người yêu thích nhậu, nhiều người yêu thích ngủ, nhiều người yêu thích sưu tầm đồ cổ, và nhiều người thích ngồi nói chuyện đủ thứ với bạn bè. Trong khi đó, cũng có những người không thích cà phê, không thích ăn mít, hay không thích ăn cam.

Thiền định không chỉ là việc buông bỏ tất cả ham muốn. Khi thiền, chúng ta từ bỏ những ham muốn như tham ăn, tham ngủ hay tham chơi, nhưng đồng thời có thể phát triển “tham” trong việc hít thở và tìm kiếm sự tập trung trong thiền. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ về mục đích sống và lý do cho những hành động của mình.

Khi thiền, bạn bỏ qua ham muốn vật chất và cảm xúc cực đoan, tìm đến sự cân bằng giữa niềm vui và nỗi buồn. Bạn chấp nhận hiện tại và giữ tâm bình an trước mọi vấn đề.

Để thiền định hiệu quả, bạn cần từ bỏ vật chất. Càng mong muốn nhiều vật chất, bạn càng khó thiền định. Thay vì nhìn vào những chiếc áo mới, hãy hài lòng với chiếc áo bạn đang có. Nếu bạn đã có một cốc nước lọc, đừng nhìn thêm cốc nước chanh. Khi ăn một chén cơm, hãy thôi không nhìn vào chén cơm có thịt của người khác. Hãy nghĩ rằng bạn đã đủ hạnh phúc với những gì mình có. Ở đâu đó, có người mơ ước có được một chén cơm trắng. Điều này sẽ giúp bạn luyện tập trí não và kiểm soát những ham muốn.

Học cách nhận ra rằng mình đã đủ và biết cho đi sẽ giúp bạn luyện tập sự bình an và lòng tham thông qua việc thiền định mỗi ngày.

Ngày nay, khi bạn nhìn vào màn hình máy tính hay điện thoại, bạn sẽ thấy nhiều thứ đẹp đẽ và hấp dẫn nhờ vào công nghệ chỉnh sửa ảnh. Điều này khiến tâm trí bạn trở nên tham muốn hơn. Giống như khi xem một bộ phim, mọi thứ đều được nhân cách hóa lên nhiều lần, khiến não bạn mơ mộng. Thực tế thì khó có thể mặc một chiếc áo đẹp như trong hình đã chỉnh sửa, hay nấu một món ăn ngon như trên màn hình. Mọi người ngày nay thường bị dẫn dắt bởi ảo mộng, làm cho não không tin vào thực tế. Nếu không thiền định và chìm đắm trong những hình ảnh đó, bạn sẽ càng tồi tệ hơn. Khi ra ngoài thực tế, mọi thứ không đẹp như trong tranh.

Hãy sống đơn giản: ăn đơn giản, mặc quần áo đơn giản. Sống sạch sẽ và trọn vẹn là điều bạn cần luyện tập. Quan sát động vật và cây cỏ để học cách hài lòng với những gì đủ. Tỉnh thức là khi bạn đang ngủ trong thực tại; mắt bạn mở nhưng não bạn đang mơ. Tôi sẽ nói về tỉnh thức trong chương sau.

VI. Quan sát

Để thiền tốt và tránh nhiều suy nghĩ trong lúc thiền, bạn cần tập cách bỏ qua những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ: 1 khi bạn gặp những sự việc không hay, không liên quan đến mình, hãy bỏ qua và không tập trung vào chúng.

Từ suy nghĩ đến hành động, bạn cần hành động theo đúng chuẩn mực đạo đức. Ví dụ, nếu bạn nhận ra mình sai, hãy chấp nhận và chịu trách nhiệm trước hành động đó, không nên bỏ qua. Khi người khác quên trả tiền thối, bạn nên nhắc nhở họ và trả lại tiền cho họ.

Ví dụ 2: Nếu bạn thấy đối tác làm điều sai trái mà mang lại lợi ích cho bản thân, bạn cần nhắc nhở họ rằng không nên làm như vậy và lên án những hành động đó.

Bạn phải tập cho não quen với thời gian thiền. Khi não bộ đã quen, nó sẽ hình thành thói quen, từ đó hình thành bản năng và dẫn đến thành công.

Trong cuộc sống hàng ngày, hãy tập thói quen không gắn kết với những suy nghĩ kéo theo, như những suy nghĩ vui hay buồn mà dẫn đến việc dệt nên một câu chuyện quanh chúng. Ví dụ, khi bị người khác từ chối, bạn có thể suy nghĩ mãi về vấn đề đó, làm cho nhiều suy nghĩ tiêu cực kéo đến. Hãy tập bỏ qua và không gắn kết với những suy nghĩ đó.

Khi bạn đi chợ mua cam, việc lựa chọn những quả ngon cho vào túi có thể không tốt và không hướng đến Phật pháp (tôi sẽ nói về Phật pháp ở chương sau). Bạn cần hiểu rằng mọi chúng sinh đều là một. Khi bạn và thế giới là một, không còn phân biệt đúng sai, ngon dở; mọi thứ đều hòa quyện trong một thể thống nhất.

VII. Hít vào từ mũi, thở ra qua các lỗ chân lông

Khi hành thiền, chúng ta hít vào bằng mũi và thở ra qua các lỗ chân lông.

Khi tôi còn học ở trường trung cấp tại Biên Hòa, Đồng Nai, tôi thường lui tới ăn cơm chùa nơi người chị họ tôi đang tu tập. Thời điểm đó, khái niệm “chùa” và “Phật pháp” vẫn còn mơ hồ trong trí não tôi. Hình ảnh và những tượng Phật không có trong định nghĩa của tôi, mặc dù tôi được sinh ra ở một đất nước Phật giáo, nơi hầu như tất cả các ngôi nhà bạn bè và bà con tôi đều có bàn thờ Phật. Tôi lớn lên trong nền văn hóa Phật giáo, tham gia các lễ giỗ, cúng, và thờ phượng bằng nhang đèn, nhưng tôi chỉ hiểu rằng việc cúng là để ăn, để tưởng nhớ người đã khuất, và cái được hưởng là bánh trái cùng những món ăn ngon.

Hình ảnh về việc tụng kinh và các thầy chùa như một phần trong cuộc sống tôi, nhưng tôi chưa bao giờ được dạy để hiểu tại sao họ tồn tại. Khi tôi học ở trường và thường lui tới một ngôi chùa bên bờ sông, cứ mỗi trưa, tôi đến gặp người chị họ. Chị mời tôi một mâm cơm chay với đủ món ăn. Sau khi ăn xong, chúng tôi ngồi bên bờ sông. Chị hỏi tôi: “Em có biết khi mình hít vào bằng mũi thì khi thở ra mình thở ra bằng gì không?” Tôi nhanh nhảu trả lời là dĩ nhiên là bằng mũi. Chị đáp rằng bản chất khi hít vào bằng mũi, nhưng thở ra qua các lỗ chân lông. Chị bảo tôi hãy thử, và đúng là như vậy. Khi chúng ta hít vào bằng mũi và nín thở, chúng ta thở ra chậm chạp, các lỗ chân lông của chúng ta vẫn thở ra, ngay cả đầu ngón chân cũng thở ra được. Thật kỳ diệu! Hình ảnh này luôn in sâu trong đầu tôi cho đến khi tôi biết về thiền và áp dụng nó, từ đó hiểu được cách tập trung khi hít vào bằng mũi và thở ra từ các lỗ chân lông.

Việc hít vào bằng mũi và thở ra qua các lỗ chân lông là một phương pháp thực hành thiền độc đáo và có nhiều lợi ích:

  • Tập trung vào hơi thở: Hít vào bằng mũi và thở ra qua lỗ chân lông giúp bạn chú ý sâu sắc vào quá trình hô hấp, làm tăng sự tỉnh táo và tập trung.
  • Tăng cường sự tỉnh thức: Khi chú ý vào hơi thở qua các lỗ chân lông, bạn sẽ trở nên rất tỉnh thức về cơ thể và các cảm giác vi tế diễn ra.
  • Thanh lọc cơ thể: Thở ra qua các lỗ chân lông giúp loại bỏ độc tố, làm sạch và thanh lọc cơ thể một cách tự nhiên.
  • Tăng cường năng lượng: Quá trình này kích thích các hệ thống năng lượng trong cơ thể, giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.
  • Thư giãn tinh thần: Khi tập trung vào hơi thở, bạn sẽ đạt được trạng thái thư giãn sâu, giảm stress và lo âu.

Tuy nhiên, việc thực hiện phương pháp này đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn để thích nghi. Một số lưu ý:

  • Bắt đầu bằng thời gian ngắn, như 5-10 phút mỗi lần.
  • Chú ý đến cảm giác vi tế ở các lỗ chân lông, không cần phải “thổi ra” quá mạnh.
  • Kết hợp với thiền định để tăng cường sự tập trung.
  • Hãy kiên nhẫn và từ từ tăng thời lượng lên.

Với thời gian và thực hành, bạn sẽ cảm nhận được nhiều lợi ích tuyệt vời của phương pháp này. Hãy thử và tận hưởng những trải nghiệm mới lạ!

VIII. Sự vững tâm khi gặp trở ngại, Sự vững tâm khi vấn đề xảy ra

Khi chưa thiền, khi nhận được thông tin tiêu cực, bạn thường suy nghĩ theo nhiều hướng và đưa ra nhiều giả thuyết về lý do tại sao vấn đề lại xảy ra.

Sau khi thiền, bạn có thể tĩnh tâm và chờ đón vấn đề đến. Khi vấn đề xuất hiện, hầu hết thông tin đều chưa được lý giải hoặc chưa có kết quả rõ ràng, vì có nhiều yếu tố và nhân tố chưa được cập nhật hoặc chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Điều này dẫn đến việc thông tin bị thiếu sót, gây ra nhầm lẫn.

Để giải quyết vấn đề sau khi thiền, bạn cần giữ bình tĩnh và không gắn kết suy nghĩ vào vấn đề vừa nhận được. Vì thông tin nhận được chưa chính xác 100%, bạn chỉ nên chờ đợi cho đến khi có tất cả thông tin đầy đủ và chính xác, lúc đó mới đưa ra quyết định. Nếu không, việc xôn xao lên mà chưa có cơ sở là không cần thiết.

Phần lớn những người chưa thiền thường lo lắng và nghĩ về những điều mất mát nhiều hơn là những điều có được. Trong khi thiền, bạn nên luôn nghĩ về những điều xấu nhất và sẵn sàng chịu trách nhiệm hoàn toàn. Bạn cần chiến đấu với những thông tin giả và loại bỏ những thông tin thiếu chính xác để tìm ra thông tin đúng, từ đó đưa ra quyết định chính xác.

IX. Cân bằng cái tôi

Bạn không nên để cảm xúc tăng hay giảm quá mức.

  • Khi cảm xúc buồn, bạn cũng không nên để nó chi phối.
  • Khi cảm xúc vui, bạn cũng không nên quá phấn khích.

Ví dụ, khi bạn gặp một vấn đề làm cho bạn vui sướng, bạn cần giữ bình tĩnh và không để cảm xúc lấn át.

Khi gặp sự bất thường, bất ổn hoặc tiêu cực, bạn phải giữ cảm xúc của mình ở mức bình thường, không để cái tôi hay cảm xúc tiêu cực chi phối.

Không được để cảm xúc vui hay buồn làm thay đổi tâm trạng của bạn. Ví dụ, nếu bạn trúng số, cảm giác vui sướng có thể khiến bạn muốn chạy đi khoe với mọi người. Bạn có thể ngay lập tức chạy đến gặp vợ mình, nhắn tin để chờ đợi sự chấp nhận từ cô ấy, mong nhận được lời khen như: “Anh giỏi quá, em sẽ yêu anh hơn.” Bạn có thể gọi điện cho ba mẹ để khoe về thành tích hay sự may mắn của mình. Trong đầu bạn sẽ nghĩ đến việc mình thích mua gì, làm gì với số tiền vừa trúng.

Tuy nhiên, bạn cần kiểm soát cảm xúc của mình, không để những lời khen hay sự thỏa mãn cái tôi chi phối. Ngay cả một câu khen cũng có thể khiến bạn cảm thấy phấn khích.

Tuyệt đối không để cảm xúc lôi kéo bạn. Hãy học cách cân bằng, coi như mọi thứ vẫn bình thường.

Thiền có thể thực hiện trong lúc làm việc hoặc khi bạn đang gặp trở ngại trong cuộc sống. Khi cái tôi nổi lên, hãy nhắm mắt lại để tĩnh tâm.

X. Lòng Tham

Có phải vì lòng tham nên khi gặp vấn đề lớn trong cuộc sống, chúng ta khó thiền định không?

Lòng tham chính là một yếu tố quan trọng khiến chúng ta khó ngồi thiền khi đối mặt với những vấn đề lớn trong cuộc sống.

Khi gặp khó khăn và thách thức, chúng ta thường bị cuốn vào những suy nghĩ như:

  • Làm sao để giải quyết vấn đề này nhanh nhất?
  • Làm sao để tránh khỏi những hậu quả tiêu cực?
  • Làm sao để đạt được kết quả như mong muốn?

Những suy nghĩ này phản ánh tâm lý lòng tham muốn nắm bắt, kiểm soát và đạt được những điều mình mong muốn. Điều này khiến tâm trí chúng ta luôn bận rộn, không thể đạt được trạng thái bình lặng cần thiết cho thiền định.

Thay vào đó, khi thực hành thiền, chúng ta cần buông bỏ, chấp nhận những gì đang diễn ra và tập trung vào việc sống với hiện tại. Điều này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và lo lắng, mở ra cách nhìn sáng suốt hơn để đối mặt với vấn đề.

Vì vậy, lòng tham chính là một trong những yếu tố then chốt khiến chúng ta khó thực hành thiền khi gặp khó khăn lớn. Hãy cố gắng buông bỏ sự tham lam và tiếp cận vấn đề với tâm thái bình an và chấp nhận.

XI. Buông bỏ thân tâm

Nói đến buông bỏ thân, nghĩa là bạn cần thường xuyên tập thể dục để duy trì sức khỏe. Hãy tránh ăn những loại thức ăn có hại cho cơ thể, giảm bớt thức khuya và tập dậy sớm. Dù nghe có vẻ dễ, nhưng việc thực hiện cần có phương pháp.

Phương pháp đơn giản nhất là lập kế hoạch và thực hành. Hãy nghĩ đến lý do tại sao bạn cần dậy sớm, mục đích của việc này là gì. Sau đó, hãy lên kế hoạch: Mỗi ngày dậy sớm một chút và thực hành liên tục mà không cần gấp gáp, vì để thay đổi cần có thời gian cho não thích nghi. Khi thực hiện, đừng quá chú trọng vào động lực, vì động lực thường chỉ là cảm xúc tức thời. Bạn chỉ cần làm vì mục đích cuối cùng là hoàn thành kế hoạch đã đặt ra. Nếu bạn muốn trở thành người tốt, đây là một trong những yếu tố giúp bạn đạt được điều đó.

Vấn đề tập thể dục cũng tương tự. Nếu bình thường bạn không tập, hãy lên kế hoạch và dành một chút thời gian mỗi ngày, không cần nhiều. Tập điều độ để não làm quen trước, sau đó bạn có thể theo lộ trình để có một cơ thể khỏe mạnh. Khi đã có được sức khỏe, bạn cần duy trì. Hãy kiên trì, không cần phải giỏi ngay từ đầu. Bạn hãy tập sức bền và độ dẻo dai, từng chút một, rồi tăng dần qua từng tháng. Một chặng đường dài, nhưng sau 10 năm, cơ thể bạn sẽ cho kết quả ngoài sức tưởng tượng. Khi nhìn lại quá trình, bạn sẽ thấy hạnh phúc khi vượt qua những khó khăn, như những ngày mưa vẫn đội áo mưa đi tập thể dục. Điều này giúp bạn rèn luyện khả năng kiên trì.

Về ăn uống, hãy hạn chế để cơ thể không phải chịu áp lực xử lý thực phẩm. Giảm muối và đường, chọn những món ăn tuy không ngon miệng nhưng tốt cho sức khỏe. Nhiều món ngon thường chứa nhiều dầu mỡ. Dù dầu mỡ cần thiết nhưng ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Đường và muối cũng vậy, hãy ăn vừa đủ, không quá nhiều.

Hãy luyện tập không hút thuốc và uống rượu. Những chất này khi sử dụng nhiều sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Uống rượu quá nhiều khiến bạn dễ nghiện và làm gan phải làm việc quá sức. Tất cả những điều này đều thuộc về việc buông bỏ thân.

Còn về tâm, việc đầu tiên bạn cần làm là thiền định. Chỉ có thiền định mới giúp bạn giải tỏa những suy nghĩ tiêu cực, lọc bỏ những tính xấu như lòng tham vật chất. Bạn cũng học cách cho đi, vì khi cho đi, tâm hồn bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn. Ngược lại, khi lấy của người khác, bạn sẽ cảm thấy nặng nề. Việc buông bỏ những điều này giúp bạn thanh lọc tâm hồn.

Chúng ta sống trong một môi trường mà nhiều người xung quanh có hoàn cảnh khó khăn, điều này có thể ảnh hưởng đến bạn. Mỗi khi nói chuyện, có thể bạn sẽ nghe thấy những từ ngữ khó chịu, làm bạn cảm thấy khó chịu. Hãy hiểu rằng bạn không thể đến một nơi mà mọi người đều có tâm hồn sạch sẽ. Tại thời điểm sống trong môi trường tiêu cực, bạn cần học cách bỏ ngoài tai những điều tiêu cực và lọc lấy những điều tích cực. Hãy chú ý đến từng lời nói bạn phát ra với mục đích tích cực. Như bông sen nở đẹp giữa bùn lầy, bạn cũng có thể học cách im lặng sống và vươn lên.

XII. Thiền không phải mục đích đạt đến giác ngộ
Chúng ta là con người, và những thiền sư đã từ bỏ cõi trần để theo đuổi con đường tu hành. Họ dành toàn bộ thời gian cho việc tu tập, trong khi chúng ta chỉ dành một phần rất nhỏ cho thiền định. Do đó, không thể mong muốn đạt được giác ngộ như họ, và nếu có, cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Chúng ta vẫn còn nhiều tham vọng và mong muốn bên trong. Việc cần làm trước tiên là giảm bớt những điều đó. Kết hợp với việc bỏ bớt lòng tham, chúng ta nên gia tăng sự cho đi và giúp đỡ những người xung quanh. Khi đó, tâm trí chúng ta sẽ trở nên bình an hơn.

Thiền là để giảm bớt tham và ham muốn. Chúng ta đang trên con đường học tập, chứ không phải đây là một công thức để đạt được giác ngộ. Ngoài thiền định, chúng ta cần làm nhiều việc thiện hơn và học hỏi nhiều hơn về kinh Phật. Khi nào chúng ta bỏ được những tâm xấu, lúc đó sẽ giống như các thiền sư, họ tập trung năng lượng vào thiền định. Họ không cần phải thu thập của cải từ người khác mà chỉ tập trung hoàn toàn vào trí tuệ để đạt đến giác ngộ.

XIII. Ngồi Thiền, không có một định nghĩa hay kỹ thuật
Thiền đơn giản chỉ là việc không suy nghĩ. Khi di chuyển, chúng ta phải nhìn, nghe và cảm nhận bằng cơ thể, điều này khiến tâm trí khó có thể tĩnh lặng. Vì vậy, cách tốt nhất để bắt đầu là ngồi yên một chỗ và giảm bớt suy nghĩ.

Bạn có thể ngồi theo kiểu của các thiền sư, miễn sao bạn cảm thấy thoải mái. Không cần phải áp dụng kỹ thuật quá phức tạp, đặc biệt là khi bạn mới bắt đầu. Nếu bạn tập trung vào kỹ thuật, bạn sẽ cần phải dành nhiều thời gian hơn để học hỏi phương pháp đạt được kết quả tốt nhất. Trong quá trình học, bạn sẽ gặp những thầy giỏi hơn, và khi bạn đạt đến một trình độ nhất định, bạn sẽ tìm thấy đúng người thầy phù hợp với mình. Hiện tại, điều quan trọng nhất là chỉ cần ngồi và không suy nghĩ.

XIV. Thiền đạt được trạng thái an yên
Khi chúng ta luyện tập thiền định, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn. Khi gặp khó khăn và thử thách, lòng ta vẫn bình an. Đây là trạng thái cần phải trải qua quá trình luyện tập. Càng luyện tập lâu, bạn càng cảm thấy mình nhẹ nhàng và bình an hơn. Tất cả đều là sự thật.

XV. Thực hành sống đạo đức
Người ta thường dạy rằng sống phải có đạo đức, nhưng làm thế nào để học và áp dụng điều đó trong cuộc sống thực tế?

Khi gặp những người yếu thế như trẻ em hay người già, hãy để ý và giúp đỡ họ. Ví dụ, bạn có thể dành chỗ ngồi của mình cho họ hoặc hỗ trợ họ khi bước lên hoặc xuống xe. Ở những nơi đông người, việc dành không gian cho họ đi lại cũng là một hành động đơn giản nhưng ý nghĩa, giúp bạn học cách sống đạo đức.

Khi đối diện với những người không làm việc đúng ý mình, việc đầu tiên là nhận ra cảm xúc nóng giận của bản thân. Bạn không thể để sự tức giận làm hỏng mọi việc. Hãy hạ cái tôi của mình xuống, giải thích một cách bình tĩnh và tránh để cái tôi nổi lên. Nếu có điều gì đó làm tình hình tồi tệ hơn, đôi khi chỉ cần lờ đi là đủ. Điều này không chỉ mang lại an toàn cho bạn mà còn cho người khác.

Thực hành sự trung thực cũng rất quan trọng. Trong một môi trường toàn người nghèo, có thể bạn không biết nguyên nhân vì sao họ nghèo, nhưng thường thì đó là do sự không trung thực. Nếu tất cả mọi người đều sống trung thực, sẽ không ai phải nghèo. Ai cũng muốn mình giàu có, nhưng việc lấy của cải từ người khác để làm giàu là một cách sống thiếu đạo đức. Hãy luyện tập sự trung thực, ngay cả trong những việc nhỏ nhất.

Nhận thức về hành động của bản thân cũng rất cần thiết. Suy nghĩ về quyết định của mình và tác động của chúng đến người khác giúp bạn trở nên có trách nhiệm hơn. Hành động có ý thức không chỉ cải thiện bản thân mà còn làm cho thế giới xung quanh tốt đẹp hơn.

Cuối cùng, sống theo nguyên tắc và giá trị cốt lõi của bản thân là điều cần thiết. Khi bạn xác định rõ những gì mình tin tưởng và sống theo đó, bạn có thể tạo ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh, từ đó xây dựng một cộng đồng vững mạnh và đoàn kết hơn.

Tóm lại, sống đạo đức không chỉ là một lựa chọn mà còn là một trách nhiệm. Nó không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta mà còn góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

XVI. Tại sao lưng thẳng thì tập trung hơn
Khi chúng ta thiền định hoặc làm việc, lưng thẳng không chỉ có lợi cho sức khỏe thể chất mà còn hỗ trợ tinh thần, giúp tăng cường khả năng tập trung và hiệu suất làm việc. Khi lưng thẳng, cơ thể có thể lưu thông máu tốt hơn, cung cấp oxy và dưỡng chất cho não, làm tăng cường khả năng tập trung.

Tư thế ngồi hoặc đứng thẳng giúp giảm áp lực lên cột sống và các cơ bắp. Khi cơ thể không bị căng thẳng, tâm trí cũng dễ dàng tập trung hơn vào công việc. Tư thế thẳng đứng thường được liên kết với sự tự tin. Khi bạn cảm thấy tự tin, khả năng tập trung vào nhiệm vụ cũng sẽ tăng lên.

Tư thế thẳng có thể kích thích sự tỉnh táo và năng lượng, giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn trong việc xử lý thông tin. Khi lưng thẳng, bạn có thể hít thở sâu hơn, cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ thể và não. Hơi thở sâu cũng giúp giảm lo âu và tăng cường tập trung. Tư thế thẳng giúp tạo ra sự chú ý và cam kết hơn đối với nhiệm vụ hiện tại, giúp bạn không bị phân tâm.

XVII. Tâm trí tĩnh lặng
Hãy nhớ rằng thiền định trong Phật giáo không nhằm mục đích làm cho tâm trí bất động mà là làm cho tâm trí tĩnh lặng và hợp nhất giữa hoạt động.

XVIII. Kết quả sâu sắc của Thiền định là sự đồng nhất
Khi bạn có kiến tánh, bạn nhìn vào thế giới của sự nhất thể hay bình đẳng, và sự nhận thức này có thể nông cạn hoặc sâu sắc. Kiến thức ban đầu thường nông. Trong cả hai trường hợp, bạn vẫn không hiểu thế giới của sự phân biệt, thế giới mà mọi người thường cho rằng họ hiểu. Khi bạn tiếp tục thực hành các công án tiếp theo, nhận thức của bạn về thế giới nhất thể, về bất phân biệt, trở nên rõ ràng hơn.

Lúc đầu, nhận thức về sự đồng nhất không rõ ràng – vẫn còn ý tưởng về “thứ gì đó đang đối đầu với tôi!” Với sự thực hành sâu sắc hơn, rào cản này dần dần tan biến. Tuy nhiên, cảm giác rằng người khác thực sự là chính mình vẫn còn yếu, đặc biệt là khi những người khác này có những phẩm chất mà chúng ta không thích. Với một kiến thức nông cạn, chúng ta chống lại cảm giác rằng những người như vậy thực sự là chính mình.

Tuy nhiên, với sự rèn luyện sâu hơn, bạn có thể sống một cuộc sống bình đẳng và nhận ra rằng ngay cả những người mà bạn nhận thấy có những đặc điểm tiêu cực cũng không kém hơn chính bạn. Khi bạn thực sự nhận ra thế giới của sự thống nhất, bạn không thể chiến đấu với người khác ngay cả khi “người khác” đó muốn giết bạn, bởi vì người đó chẳng khác gì một biểu hiện của chính bạn. Thậm chí, bạn sẽ không thể đấu tranh chống lại họ. Một người đã nhận ra thế giới bình đẳng sẽ nhìn nhận với lòng từ bi ngay cả những người có ý định giết người, vì theo nghĩa cơ bản, họ và chính mình đều có giá trị như nhau. Tương tự, tất cả thiên nhiên, núi sông, đều được xem là chính mình.

Khi bạn nhận thức sâu sắc hơn về sự thống nhất này, bạn sẽ cảm nhận được sự quý giá của từng vật thể trong vũ trụ, không từ chối điều gì, vì mọi thứ và mọi người đều được coi là những khía cạnh thiết yếu của bản thân bạn. Bạn nhớ rằng, nhận thức sâu sắc này chỉ đến sau khi sự thực hành của bạn đã hoàn toàn chín muồi. Hãy lấy cơ thể làm ví dụ cụ thể về sự bình đẳng tuyệt đối của vạn vật. Khi nhận ra khía cạnh đồng nhất, mỗi vật có giá trị ngang nhau; khuôn mặt và lòng bàn chân của bạn không khác nhau. Tương tự như vậy, người phạm pháp không phải là người xấu, còn người tuân thủ pháp luật cũng không phải là trụ cột của đức hạnh.

(đoạn này tôi đọc được và sưu tầm. Bản thân tôi chưa đạt đến giác ngộ, nên đôi khi khái niệm này chỉ nhận thấy được chứ chưa thể xóa bỏ hoàn toàn để đồng nhất. Mỗi chúng ta đều có hai mặt đối lập trong mình, và thế giới vận hành cũng vậy; có người thể hiện tốt với mình, nhưng cũng có những người thể hiện không phải là người tốt với mình.)

XIX. Đức tin

Điều đầu tiên trong ba điều cốt yếu của việc tu tập Thiền là đức tin mạnh mẽ, hay gọi là 大信根 (daishinkon). Khái niệm này thể hiện một đức tin vững chắc.

  • Dai (大): “Lớn” hoặc “vĩ đại”.
  • Shin (信): “Tin” hoặc “đức tin”.
  • Kon (根): “Gốc” hoặc “cội rễ”.

Chữ tượng hình “Kon (根)” có nghĩa là “gốc”, còn “Shin (信)” nghĩa là “niềm tin”, còn Dai (大): “Lớn” hoặc “vĩ đại”. Do đó, cụm từ này ám chỉ một đức tin có cội rễ vững chắc và sâu xa, bất di bất dịch, giống như một cái cây to lớn hay một tảng đá khổng lồ. Hơn nữa, đó là một đức tin không bị vấy bẩn bởi niềm tin vào điều siêu nhiên hay mê tín. Phật giáo thường được mô tả vừa là tôn giáo lý trí vừa là tôn giáo của trí tuệ. Nhưng nó là một tôn giáo, và điều khiến nó trở thành một tôn giáo chính là yếu tố đức tin này; nếu không có nó, thì nó chỉ là triết học. Phật giáo bắt đầu với sự giác ngộ tối thượng của Đức Phật, điều mà Ngài đã đạt được sau nỗ lực vất vả. (Đây là kiến thức tôi đọc được trong cuốn sách Thiền zen của Nhật bản.)

XX. Chú Ý
Trong cuộc sống hàng ngày, việc chú ý đến từng chi tiết cũng được gọi là thiền. Trước khi biết đến thiền, tôi thường ít để ý đến những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Một ví dụ điển hình là đôi dép tôi mang hàng ngày hay bộ quần áo tôi mặc mỗi buổi sáng. Tôi không có khái niệm để ý đến chúng; chỉ khi cần thiết thì tôi thay đổi, và khi ra ngoài, tôi chỉ lôi đôi dép ra và mang vào mà không chú tâm.

Nhưng sau khi tiếp cận với thiền, từng hành động của tôi trở nên rõ ràng hơn. Tôi nhận thấy việc mặc hay thay một chiếc áo làm tâm trí tôi chậm lại, giúp tôi nhìn thấy rõ từng hành động cụ thể mà không bị phân tâm. Tôi không chỉ làm cho xong, mà thực hiện trong chánh niệm. Trước khi bước ra khỏi nhà, tôi thực hành chánh niệm khi mang dép; không chỉ là mang rồi đi mà là mang với sự chú tâm.

Một ví dụ khác về thiền trong cuộc sống hàng ngày là khi đi ăn ngoài quán. Thường thì sau khi ăn xong, chúng ta chỉ dùng giấy lau miệng và vứt bừa bãi mà không quan tâm đến cảm nhận của người dọn dẹp. Nhưng khi biết đến thiền, tôi sẽ ăn một cách gọn gàng hơn; khăn giấy sử dụng xong sẽ được gấp lại ngay ngắn, chén đũa xếp gọn gàng như mới. Thậm chí, tôi còn lau cả đĩa ăn sạch như mới mang ra sau khi dùng xong. Ở những nơi công cộng, nhiều người chỉ chú ý đến sự thoải mái của bản thân mà không quan tâm đến những người sau. Thực hành thiền trong cuộc sống hàng ngày sẽ nuôi dưỡng tính Phật trong bạn, và đây chính là thực tế của thiền.

XXI. Hoạt động độc lập
Chúng ta sống trong cộng đồng, tiền bạc, địa vị và nhiều thứ khác kéo chúng ta chạy theo tổ chức. Nếu không vững tâm và không thực hành thiền thường xuyên, bạn sẽ bị vướng mắc vào những tổ chức của cộng đồng, làm bạn đồng hóa và rất khó để suy nghĩ và hành động độc lập. Bạn là chính bạn, không một tổ chức nào hay bất kỳ cộng đồng nào có thể làm bạn hòa trộn với họ. Hãy tu luyện sự độc lập trong chính tâm và thân.

Khi còn nhỏ, bạn đi học ở trường và phải theo cách giáo dục của tổ chức đó. Khi ở nhà, bạn cũng phải học theo tổ chức gia đình; khi đi làm, bạn lại theo tổ chức nơi công sở. Mỗi tổ chức đều có nội quy và quy định riêng, phần lớn phục vụ lợi ích riêng. Nếu bạn không biết kiểm soát, đôi khi bạn phải làm sai chính bản thân mình để phục vụ cho sự phát triển của tổ chức hay cộng đồng, điều này làm tính thiền và tính Phật yếu đi.

Bạn phải hiểu rằng thiền là luyện tập để trở thành chính mình. Để giải quyết vấn đề này, hãy là chính bạn, tu dưỡng những giá trị và lời dạy của Phật. Hãy cố gắng trở nên giỏi hơn, thực hành các phương pháp, kỹ năng và kỹ thuật để cải thiện công việc của bạn. Khi bạn giỏi hơn, bạn sẽ độc lập hơn, và đây là điểm mấu chốt giúp bạn không bị hoặc ít bị đồng hóa với xã hội, nơi mà lợi ích của tập thể được đặt lên hàng đầu. Chỉ khi đó, bạn mới có thể an tâm trong nơi bạn đang sống. Bạn phải có khả năng bước đi ngay thẳng, không dựa vào điều gì cả. Chỉ khi tâm trí bạn thoát khỏi những điều trừu tượng như vậy, bạn mới thực sự tự do và độc lập.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *