Mục đích sống của mỗi người là khác nhau, và tự do được xem là một phần quan trọng trong đó. Nhiều người tin rằng tự do giúp họ theo đuổi ước mơ, khám phá bản thân và tìm kiếm hạnh phúc. Bên cạnh đó, nhiều người còn cho rằng sống là để kết nối xã hội và phát triển bản thân.
Điều này dẫn đến một vấn đề quan trọng: khi bạn được sinh ra, bạn phải tồn tại. Tồn tại là điều trước tiên, sau đó mới nghĩ đến tự do. Mọi người cố gắng làm việc với mục đích để đạt được sự tự do. Hàng ngày, họ phải đi làm, gặp gỡ bạn bè, tìm kiếm cơ hội học hỏi cái mới và nghiên cứu những điều chưa biết, tất cả đều hướng tới một mục tiêu cuối cùng là tự do.
Nhưng bạn có thật sự tự do hay không?
Từ lúc tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình, ba mẹ tôi luôn tìm mọi cách để có cuộc sống tốt hơn, từ cái ăn đến cái mặc. Thời thơ ấu của tôi gắn liền với những lo toan về cơm áo gạo tiền, tiền sách vở, tiền học, tiền thuốc men, và cả những khoản phải chi cho bà con. Ba mẹ tôi phải tất bật đi làm để kiếm tiền. Họ lao đầu vào công việc, và dĩ nhiên, sau bao công sức và thời gian, họ mang tiền về.
Khi tiền vào túi, họ lại nghĩ cách mua sắm vật dụng trong gia đình, lo cho con ăn học, mua đồ ăn, quần áo, và sửa chữa nhà cửa. Gia đình nào cũng giống như vậy. Mỗi dịp Tết đến, họ dùng số tiền kiếm được để sắm sửa nhà cửa, mua đồ ăn cho những ngày Tết và cả quần áo mới để mặc. Cuộc sống diễn ra lặp đi lặp lại cho đến khi tôi rời xa quê hương để vào thành phố học.
Tôi cũng đi học như bao người khác, trong khi ba mẹ tôi vẫn ngày ngày kiếm tiền. Họ không thể theo dõi tôi từng ngày, nhưng vào cuối tháng, họ gửi tiền vào thành phố để tôi đóng tiền nhà trọ, tiền học, và tiền ăn. Khi nhận được những đồng tiền từ quê gửi lên, tôi cũng phải phân bổ cho đủ tháng. Nếu không đủ, tôi phải đi làm thêm.
Hành trình ra trường của tôi bắt đầu với công việc lương không cao. Tôi vừa đi làm vừa học hỏi, trong khi ba mẹ tôi vẫn còn trẻ và kiếm tiền đều đặn mỗi ngày. Họ gửi tiền cho tôi, có ít thì gửi ít, có nhiều thì gửi nhiều, với mong mỏi tôi tìm được công việc tốt, kiếm nhiều tiền để sau này không phải xin họ nữa. Tuy nhiên, tháng nào tôi cũng thiếu tiền, nên họ cũng hiểu và tiếp tục gửi hỗ trợ.
Cuộc sống cứ diễn ra như vậy cho đến khi tôi tự làm ra tiền và nuôi sống được bản thân, cũng là lúc tôi lập gia đình. Ba mẹ tôi vẫn tiếp tục làm việc kiếm tiền. Hồi họ còn trẻ, họ kiếm được nhiều tiền, nhưng khi về già, thu nhập của họ giảm dần, tỉ lệ thuận với tuổi tác. Khi còn trẻ, họ kiếm nhiều, còn khi già, họ kiếm ít hơn.
Mặc dù không còn phải gửi tiền cho tôi nữa, cuộc sống của họ vẫn như xưa, với những thiếu thốn không thay đổi. Họ vẫn sống trong cảnh khó khăn như trước, dù giờ đây họ không còn phải chu cấp cho tôi nữa.
Khi đến tuổi xây dựng gia đình, tôi không muốn đi theo con đường của ba mẹ nữa. Thời gian làm công ăn lương của tôi chỉ kéo dài một đến hai năm trước khi chấm dứt. Tôi không muốn làm công cho người khác; mỗi khi hoàn thành một dự án, phần thưởng thuộc về chủ, còn tôi chỉ nhận lương và những bữa tiệc tùng không đáng kể.
Tôi quyết định tự mở công ty, không cần làm cho ai nữa, tự xây dựng đế chế riêng cho mình. Tôi thuê nhân viên vào công ty làm cho tôi. Thời gian đầu thật khó khăn vất vả, nhưng nó cho tôi tự do hơn, không phải làm việc theo khung giờ 8 tiếng. Khi làm chủ, tôi nhận ra mình phải xây dựng công ty từ những điều nhỏ nhất, hoàn thiện từng văn bản như báo giá, tính lương nhân viên, quản lý hàng hóa, và làm việc với khách hàng. Dù nhiều việc, nhưng tôi cảm thấy chủ động hơn.
Điều đáng nói là cuối tháng, nhân viên có lương còn tôi thì không. Lương của tôi được trả hàng ngày vì tôi là người nắm quỹ. Tiền ăn, tiền uống cà phê, và tiền tiếp khách đều phải lấy từ quỹ công ty. Tôi phải ăn trước, nên cuối tháng không cần lãnh lương.
Khi còn là nhân viên, tôi chỉ biết làm theo chỉ dẫn, sai đâu làm đó. Nếu chủ vui, tôi cười theo; nếu chủ buồn, tôi im lặng để thể hiện sự cảm thông. Tôi sống cuộc sống của người chủ chứ không phải cho bản thân mình. Khi trở thành chủ, mỗi lần tôi vui, nhân viên cũng vui theo. Nếu tôi vào công ty mà im lặng, họ cũng không dám cười đùa. Hàng ngày, tôi đến công ty vào những giờ khác nhau—có khi 8 giờ, có khi 7 giờ, có khi 10 giờ sáng. Nhiều lúc tôi đi đâu hay làm gì, không ai hỏi; còn nhân viên thì đi đâu cũng phải có sự đồng ý của tôi.
Bạn có biết tỷ lệ người làm chủ so với người làm công là bao nhiêu không? Khoảng 70% đến 80% là người lao động, trong khi chỉ có 20% đến 30% là người làm chủ. Vậy tại sao có người chọn làm công, trong khi có người lại không chịu làm công mà chỉ muốn làm chủ? Tôi cũng thấy nhiều người vừa làm công vừa mở công ty riêng. Có những người đi làm với mức lương rất cao nhưng vẫn tiếp tục làm công và không muốn mở công ty. Họ có con cái học ở trường quốc tế, có nhà lầu, xe hơi, và đủ tiền để làm những gì họ thích, nhưng vẫn chọn con đường làm công ăn lương.
Nhiều người có thể tìm thấy niềm vui trong công việc, họ không thích tự làm cho mình mà thích làm cho người khác. Mỗi người có mục tiêu riêng; có khi họ không muốn mở công ty hay tự làm cho bản thân, cũng có thể họ không biết cách tự làm cho mình
Còn với những bạn trẻ thì sao? Nếu bạn muốn làm cho mình, không muốn phải ràng buộc bất cứ điều gì và muốn có nhiều sự tự do, hãy lập kế hoạch nhỏ để không cần phải tích lũy một số tiền lớn mới dám ra làm riêng. Số tiền mà công ty trả cho bạn có thể cao, nhưng trừ khi bạn có điều gì đó vượt trội hơn người khác, điều này rất hiếm. Những người bình thường có thể làm việc lâu năm, lương tăng 20% đến 30%, nhưng cuộc sống vẫn không thay đổi mấy.
Khi bạn đi làm, ông chủ chỉ trả cho bạn số tiền đủ để trang trải cuộc sống. Làm việc 8 tiếng mỗi ngày khiến bạn không còn sức lực cho những việc khác. Họ không cho bạn cơ hội tự học hỏi hay tìm hiểu kiến thức ngoài môi trường làm việc. Nếu bạn muốn học thêm một ngôn ngữ, phương pháp giao tiếp hay quản lý tài chính, bạn sẽ gặp khó khăn.
Đó là lý do tại sao ba mẹ tôi vẫn còn phải làm việc. Họ không có thời gian để gặp gỡ những người trong lĩnh vực khác, học hỏi về tài chính, giao tiếp, và trở thành người làm chủ bản thân. Nhiều người làm việc được trả lương cao nhưng không độc lập, không tự lo cho bản thân, và cuối cùng làm việc suốt đời. Họ làm việc để mua những chuyến du lịch, chụp ảnh đẹp, nhưng cuộc sống cứ mãi trôi và họ không thoát ra được.
Ở trên, tôi có câu hỏi: Bạn có thật sự tự do không? Câu hỏi này bạn tự trả lời. Còn tôi sẽ chỉ cho bạn phương pháp để có tự do. Mọi người ít ai biết được tại sao những người làm chủ lại được như vậy. Họ tu luyện bản thân, chịu khó, ít chi tiêu, biết tính toán đồng tiền khi nào tiêu xài, khi nào không. Họ học cách không hoang phí tài nguyên. Họ tập trung năng lượng vào việc xây dựng công ty riêng cho mình, và không có những thị phi như hay so sánh về đồng lương, chức vụ trong công ty. Họ tìm kiếm cơ hội để không mất nhiều tiền nhất. Họ là những người biết chăm sóc bản thân. Nếu quần áo họ còn mặc được, bạn đừng hỏi họ có nên mua thêm quần áo hay không. Họ sẽ trả lời rằng họ thích sự sạch sẽ hơn là những bộ đồ mới.
Họ làm ra tiền và sẽ dùng 5% đến 15% số tiền họ kiếm được để đầu tư vào học vấn cho bản thân. Nhiều cách đầu tư như học môn kế toán, học phương pháp nói chuyện trước đám đông, học tin học cơ bản, học cách quảng cáo cho sản phẩm… Họ chấp nhận một cuộc sống đơn giản. Nói đơn giản nhưng nếu bạn không học cách để tự do, bạn sẽ không bao giờ làm được vì sự sợ hãi thất bại. Nếu bạn không có thời gian, trí não của bạn cũng không thể sắp xếp cơ hội để học thêm điều gì. Muốn tự do, bạn phải sống chậm, vì khi đó bạn mới nhìn thấy tiếng nói từ trong bản thân mình. Một vấn đề nữa là phải khát khao tự do thì tự do sẽ đến, còn không bạn sẽ khó thoát ra khỏi công việc ở một công ty cho đến khi bạn nhận ra thì đã già quá rồi.