Thành công của con trai là nhờ sự định hướng của người cha

Tôi được sinh ra trong gia đình máy mắn có ông ngoại và ông nội còn sống. Họ không phải là những người thành công hay mạnh mẽ. Tôi được biết ông ngoại tôi trước kia làm chủ tịch trong thời kháng chiến chống Mỹ. Ông giữ chức vụ Chủ tịch xã cho phía Mỹ. Từ khi Mỹ rút quân về nước, ông ngoại tôi phải vào Sài Gòn lánh mặt, sau đó ông trở về quê sống một cuộc đời làm nông. Ông ngoại tôi từ ngày về quê đã sống cuộc sống nông dân, giúp đỡ bà ngoại tôi trồng rau, trồng lúa, nuôi gà. Hàng ngày, công việc đồng áng rất bận rộn. Lúc tôi sinh ra, tôi chỉ mới 4 tuổi nên không nhớ rõ ký ức về ông ngoại. Khi tôi về nhà ông bà ngoại chơi, tôi chỉ thấy ông làm những công việc của người nông dân. Sau khi cày cuốc xong, ông vào chế trà, ăn cơm và ngủ trưa, nghe đài radio. Hồi đó, ông sắm một chiếc đài để nghe tin tức. Tôi còn nhớ có những kênh FM như Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ phát trên radio. Thời đó, ông còn nghe lén và hay kể cho tôi nghe những điều trên đài nói. Tôi không hiểu, chỉ biết ông thích việc nghe đài rồi nằm ngủ. Bà ngoại tôi thường nấu cơm xong là gọi ông xuống ăn. Ăn xong, nếu có việc thì ông tiếp tục làm, hết việc ông leo lên giường nghe radio, hút thuốc. Cuộc sống rất thoải mái.

Còn ông nội tôi thì cả cuộc đời làm nghề nông. Tôi được nghe ba tôi kể lại rằng ông nội tôi làm nông rất giỏi. Một mình ông có thể cuốc hết mảnh vườn. Sức khỏe của ông rất tốt, nên đến 90 tuổi ông mới qua đời. Những người cậu của tôi hầu như không thành công. Họ đều mở xưởng, làm ăn lớn nhưng đều thất bại. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng họ không được chỉ dạy từ người cha của mình. Ông ngoại và ông nội tôi không bao giờ định hướng cho ba tôi và các cậu tôi phương pháp làm việc, nên trong gia đình dòng họ tôi, họ đều thất bại. Thậm chí, họ không biết phải làm sao để vực dậy. Cậu tôi đã tìm đến rượu, và rượu đã giết chết cuộc đời cậu tôi. Còn những người cậu khác cuộc sống rất lu mờ.

Ba tôi thì khác. Ông nội tôi định hướng cho ba tôi vào Sài Gòn để học nghề, sau đó về quê mở nhà may. Thời điểm đó, ba tôi may rất nhiều đồ, đông khách, nhưng sau này ngành may phát triển, công nghiệp may mặc phát triển nên nhà may của ba tôi ít khách, dần dần ông không học hỏi để thay đổi, nên không có gì phát triển mà càng ngày càng ít khách dần.

Người trưởng thành được định hướng từ người cha. Tôi thấy những gia đình có người cha giàu – giàu ở đây là họ có kiến thức và trải nghiệm. Khi còn nhỏ, tôi không phân biệt được vì cứ nghĩ cha nào cũng là cha, ai cũng yêu thương con mình. Nhưng khi lớn lên, tôi mới hiểu rằng cha nào cũng yêu thương, nhưng người cha có kinh nghiệm, có trải nghiệm sẽ thương và định hướng cho con theo một cách khác với người cha nghèo không biết cách định hướng và cho con những lời khuyên hay chỉ dạy khi họ ở bên cạnh con. Họ không biết cách dạy đúng nên khi đứa trẻ trai lớn lên, nó làm theo thói quen cha mình chỉ dạy, cứ nghĩ điều đó là đúng cho đến khi nó tự thấy không đúng mới chỉnh sửa.

Khi đứa trẻ trai lớn lên cũng ở gần người cha mình, nó có hai vấn đề. Nếu người cha đó có kinh nghiệm và trải nghiệm, nó sẽ được học nhiều hơn và ít vấp ngã, vì khi sắp hoặc vấp ngã, người cha giàu kinh nghiệm sống sẽ cho người con trai đó hướng giải quyết. Còn nếu ở chung với người cha không biết cách dạy con mình mạnh mẽ, thì người con trai đó khó thành công, trừ khi anh chịu ra đi thật xa, xa người cha để không bị ảnh hưởng, tự mình bước trên đôi chân, mới học được trải nghiệm sau nhiều lần vấp ngã. Lúc đó mới học được kinh nghiệm. Nghĩa là phải cố gắng sống xa nhà, xa gia đình; điều này có cái lợi cũng có cái hại. Mặt lợi là cho người trai trẻ đó tự học hỏi, tự vấp ngã và rút ra bài học kinh nghiệm. Mặt bất lợi là nếu lỡ người trai trẻ đó vấp ngã quá nặng, anh ta sẽ khó đứng dậy hoặc có thể ngã nhiều lần đến lúc không còn ý chí bước tiếp.

Người trai trẻ trưởng thành không được định hướng từ người cha thì sẽ lâu thành công hơn hoặc sẽ không thành công luôn. Anh ta tiếp nối theo bước chân của người cha mình, thậm chí truyền cái sai cho thế hệ sau là đứa con trai như tôi đã nói về vấn đề ông ngoại và ông nội mình. Trong gia đình mình có tôi và một người anh trai. Cái may mắn của tôi là sau khi học hết lớp 12, tôi rời quê vào Sài Gòn để học tiếp. Còn anh trai tôi thì sau khi học xong lớp 12, anh ra Đà Nẵng để học đại học, sau đó anh trở về quê gần gia đình và làm việc. Anh tôi bị sa đà, làm ăn thất bại một hai lần gì đó thì anh bỏ cuộc. Anh đi làm cho công ty lớn rồi cũng xin nghỉ. Anh nói với nhà là ở công ty, khi sếp mới vào anh bị họ đè, sếp cũ thương anh, giờ anh không chịu nổi áp lực nên xin nghỉ. Ra ngoài mở công ty, làm được một đến hai năm là đóng cửa, tìm kiếm bạn bè làm chung cuối cùng mất luôn bạn bè. Đến bây giờ, anh phải đi làm công, và anh cũng không muốn phát triển bản thân. Anh chỉ muốn làm gì cho thoải mái là được, không chịu áp lực.

Còn tôi, khi vào Sài Gòn thì gặp rất nhiều khó khăn. Điểm chính là do tôi không có kiến thức của người đàn ông mạnh mẽ nên tôi không biết làm sao để có được những kỹ năng của người đàn ông. Tôi liên tiếp gặp rất nhiều khó khăn, không thể chơi với ai, không tìm được bất cứ người nào để trở thành bạn. Tất cả những người đến với tôi rồi cũng rời đi. Tôi học từ thất bại, thất bại tôi tiếp tục đứng lên học tiếp, tôi quyết không về quê, vì về quê là coi như thất bại. Tôi cố gắng tìm cách để học phương pháp trở thành người đàn ông. May mắn của tôi là tôi chịu học hỏi, chịu tìm người mới để học những điều mình không biết. Rồi một ngày, tôi gặp một người Philippines. Anh qua đây để truyền đạo. Lúc đầu tôi cũng không biết nên cứ chơi làm bạn. Có lần tôi dẫn anh trai tôi vào nhà anh người Philippines, thì được anh truyền đạo nguyên cả buổi sáng, vậy là anh tôi chịu thua bỏ chạy. Tôi thì ở nhà anh ấy được một năm vì tôi thay vì ở trọ đóng tiền, trong khi đó anh có phòng dư, tôi vào ở và đóng tiền. Anh vừa học tiếng Việt, tôi vừa học được tiếng Anh. Cơ may tôi được anh dạy cho nhiều điều để trở thành người đàn ông. Lúc đó tôi cũng không hình dung mình được người ta dạy, tôi không hề biết đây là những kỹ năng của người đàn ông trưởng thành. Tôi hấp thụ nhưng chưa thực hành.

Ngày tôi được qua Philippines để tự đứng trên đôi chân của mình là lúc gặp nhiều thất bại nhất. Tôi mất rất nhiều, mất những người tốt, mất hết cả những mối quan hệ mà tôi cố gắng xây dựng. Điều đau đớn nhất là tôi không biết thất bại từ đâu. Việc mất bạn, mất tiền nhưng vẫn không học được bài học, giống như lên đấu trường, người ta đấm vào mặt mình mấy lần mà cũng không biết cách làm sao để đỡ được chiêu đó, nên bị đánh bởi chiêu thức của đối thủ nhiều lần mà cũng không rút ra kinh nghiệm đỡ.

Định hướng từ người cha thành công. Bây giờ tôi là người cha, khi tôi hành động, phải nỗ lực nhiều để con mình thấy từng hành động của chính người cha của nó. Nó chỉ nhìn trước đã, sau này khi nó thấy những hành động của cha, nó sẽ bắt chước. Khi nó thấy, nó sẽ tin điều đó có thật. Khi tôi dạy con, tôi dạy từ kinh nghiệm chứ không phải lý thuyết. Hiểu thật sự đúng vấn đề rồi rút kinh nghiệm sau đó truyền đạt, không dạy theo cách người cha đã dạy tôi, Ông nói gì cũng đúng, hay cố gắng nói sai sự thật để được lòng con. Tôi dạy con lý do tại sao vấn đề xảy ra, cách nào để giải quyết, tại sao con bị vấp ngã. Tôi để cho con vấp ngã rồi mới có cơ hội dạy. Cách tôi dạy là nếu vấn đề đó chưa xảy ra, tôi không dạy. Lúc đó, tôi chỉ hành động đúng để con nhìn theo. Khi con tự trải nghiệm và gặp vấn đề nhưng không biết làm sao, lúc đó tôi mới giải thích lý do tại sao vấn đề xảy ra. Nếu khi xảy ra vấn đề, con chưa hiểu thì cứ để thêm một lần trải nghiệm thất bại nữa cũng không sao. Khi còn trẻ, con thất bại cũng không mất bao nhiêu tiền hay công sức. Còn nếu vấn đề đó ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, thì tôi là người cha và đã có trải nghiệm, tôi biết nên dừng lại không cho con thử tiếp.

Lúc đi chơi công viên, tôi thấy con mình trèo lên khu vui chơi dành cho trẻ con, phía dưới có những tấm đệm, nếu có té thì cũng không sao. Tôi khuyến khích con lên, leo càng cao càng tốt. Tôi biết nó có té xuống cũng không sao, cùng lắm đau một ít rồi thôi. Rồi cũng giống như vậy, ở một khu vui chơi có những đồ leo trèo nhưng phía dưới là xi măng, chắc chắn té xuống sẽ bể đầu, gãy tay. Lúc đó, tôi theo sát con, không để con leo cao quá, đồng thời tôi phải đứng ngay cạnh nó để nếu nó té, tôi có thể ôm lấy.

Định hướng từ người cha không thành công. Khi người cha không thành công dạy con, họ sẽ dạy những lời yêu thương nhưng vô tình làm hại con mình. Tôi thấy một người cha khi đi với con, họ để con coi điện thoại suốt buổi. Họ nói là để coi chứ không cho coi nó phá, nhưng khi đứa trẻ đó coi điện thoại thì ngay lúc đó ba nó cũng coi điện thoại, vừa coi điện thoại vừa uống cà phê. Có nhiều trường hợp khi người cha không thành công, họ không phải không thương con. Tất cả người cha trên thế giới này đều thương con, nhưng cách thương khác nhau mà thôi. Đôi lúc thương tốt sẽ ảnh hưởng tốt, thương sai sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau của con.

Định hướng từ người mẹ cho người trai trẻ khác với định hướng từ người cha. Người mẹ là phụ nữ, họ chỉ biết về phụ nữ. Cũng giống như người cha, họ là người cha thì khó dạy đứa con gái để trở nên tốt. Vì người đàn ông không thể nào hiểu người phụ nữ như người phụ nữ hiểu đứa con gái của họ. Người cha khi dạy đứa con trai mạnh mẽ thì được, nhưng họ không thể và khó để dạy đứa con gái trở nên nữ tính, vì đàn ông đâu có biết nữ tính là gì, họ đâu có tóc dài, đâu có mặc áo đầm. Ngược lại, người mẹ làm sao biết được sức mạnh cơ bắp hay sự mạnh mẽ trong trí não của người đàn ông. Hãy để người cha dạy đứa con trai trở thành người đàn ông mạnh mẽ, còn việc dạy đứa con gái thì phải để người mẹ đảm nhiệm; họ làm tốt hơn.

Thành công sớm hơn nếu được định hướng sớm. Khi đứa trẻ trai được cha dạy về sự mạnh mẽ, trí não và sức khỏe thì khi nó lớn lên, nó không cần phải học gì nhiều, nó tự biết phải làm như thế nào. Đứa trai trẻ ít vấp ngã và biết cách tiếp nhận nhiều người đến với nó hơn, dĩ nhiên nó sẽ thành công sớm hơn. Còn khi đứa trẻ chưa được hoặc cha dạy sai cách, nó phải vấp ngã. Sau vấp ngã, nó cần có thời gian hồi phục, có thể sau một năm, vì sau một năm tinh thần nó mới quên hết và bước lên phía trước để trưởng thành hơn. Chính vì vậy, nhiều lần vấp ngã thì thời gian thành công sẽ đến chậm hơn, có khi cả cuộc đời không thành công.

Khi mình không có người cha giàu, người cha mạnh mẽ, người cha trưởng thành thì người trai trẻ nên làm gì để trở thành? Chỉ có cách bỏ xứ mà đi. Đây là cách nói của những người ở một chỗ làm gì cũng thất bại; họ cần đi nơi khác để sống, làm lại rồi tiếp tục học hỏi, đi xa cái nơi làm họ không thành công. Đến môi trường khác, cái xấu không theo nữa, giống như bạn ở trong một vùng nước không sạch, khi đến nơi khác với vùng nước sạch, bạn sẽ thấy điều khác biệt.

Có phải quá muộn hay không? Cần bước tiếp để cho thế hệ sau trở nên mạnh mẽ. Không gì là quá muộn. Nếu thế hệ mình khởi đầu chậm cũng không sao, cuối cuộc đời mình không thành công cũng không sao. Con đường mình đi từ khi nhận ra và trở nên tốt hơn thì bao nhiêu phần tốt đều có giá trị.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *