Xu hướng xã hội hiện nay dễ dàng khai thác tiền của người nghèo hơn. Mọi người thường nghĩ rằng người giàu có nhiều tiền, nên việc lấy tiền trong túi họ là đơn giản, còn người nghèo thì không có nhiều tiền nên khó khăn hơn. Nhưng thực tế, việc khai thác tiền của người giàu khó vô cùng, vì họ là những người chuyên tìm cách rút tiền của người nghèo vào túi họ. Khi họ có 1 đồng, người giàu sẽ làm thêm 2 đồng, rồi 3 đồng; họ thu tiền vào và rất ít khi chịu chi ra những số tiền mà họ cho là không phải đầu tư. Người giàu tập trung sức lực và trí tuệ để lấy tiền từ người nghèo, chứ ít khi nào họ rút tiền trong túi mình để đưa cho người nghèo bằng mọi phương thức.
Nhiều người sẽ hỏi rằng những đại gia tiêu tiền như nước, họ mua xe, xài hàng hiệu gấp 5, 7 lần người nghèo, vậy thì đó không phải là họ đưa tiền ra hay sao? Đó chỉ là cách chúng ta nhìn nhận. Tôi sẽ nói thêm rằng người nghèo có nhiều loại, còn người giàu thì thường chỉ có một kiểu. Người giàu thực sự tạo ra của cải vật chất cho xã hội từ sức lực và trí tuệ của mình, không tham nhũng, không làm bậy hay những điều xấu để kiếm tiền. Họ làm từ những gì họ có và phát triển bản thân. Họ học hỏi nhiều cách để trở nên tốt hơn. Người giàu thường chơi công bằng. Ở bài sau, tôi sẽ phân tích thêm để thấy người giàu là người như thế nào. Có nhiều tiền chưa chắc đã là người giàu.
Tại sao người nghèo dễ bị khai thác? Phần lớn, người nghèo chi tiêu không có kế hoạch, vì họ không được học về tài chính. Họ sống thiên về cảm xúc, có thể mua sắm khi họ thích; hôm nay đi siêu thị thấy món đồ họ không cần nhưng vẫn mua. Họ dễ rơi vào tình huống khẩn cấp, như mất việc hay bệnh tật, và dễ bị thuyết phục chi tiền cho những giải pháp tạm thời. Những chuyến du lịch tại resort và các dịch vụ du lịch mắc tiền ngày bình thường nhiều khi người nghèo không tiếp cận được vì họ phải đi làm cho các công xưởng hay công ty. Nhưng họ lại quan tâm đến những ngày nghỉ ngắn vì họ muốn đi giải trí, nghỉ ngơi trong những ngày lễ. Các chuyến tàu xe vào những ngày lễ hội, cộng với dịch vụ ăn uống đắt đỏ và kém chất lượng. Người nghèo họ bị động cho những vấn đề thiếu thốn sản phẩm, tài nguyên và dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, quần áo và dịch vụ y tế, từ đó trở thành khách hàng tiềm năng cho người giàu khai thác.
Người giàu có thể áp dụng chiến lược giá thấp để thu hút người tiêu dùng. Mặc dù lợi nhuận trên mỗi sản phẩm có thể thấp hơn, họ khuyến khích người nghèo chi tiền vì nghĩ mình thông minh khi mua được món hàng rẻ, nhưng thực tế là họ có thể mất tiền mà không nhận ra. Những khuyến mãi hàng tháng, hàng năm, bất kể dịp sinh nhật hay lễ hội, người giàu luôn tung ra các gói khuyến mãi để khuyến khích người nghèo chi tiền.
Người nghèo có thể cảm thấy áp lực xã hội hoặc cần phải mua sắm để chứng minh giá trị bản thân, tạo cơ hội cho người giàu khai thác. Trong một số lĩnh vực, việc cung cấp sản phẩm cho người nghèo có thể ít áp lực tạo chất lượng sản phẩm hơn so với thị trường cao cấp, vì thị trường cao cấp người giàu họ đòi hỏi số tiền họ bỏ đầu tư mua sản phẩm phải xứng đáng, nên nhà sản xuất họ làm sản phẩm chất lượng cao hơn rất nhiều so với sản phẩm dành cho người nghèo. Người nghèo thích đến những nơi có tính giải trí, nhằm mục đích thể hiện rằng họ là người giàu. Họ mất rất nhiều thời gian cho giải trí, điều này cũng là một loại tài sản mà người giàu hướng đến để khai thác.
Các hệ thống tài chính và ngân hàng thường đưa ra những chiến dịch nhằm đẩy người nghèo vay tiền nhiều hơn và trả lãi suất cao hơn. Người nghèo dành toàn bộ thời gian làm cho người giàu thêm giàu hơn. Họ không có thời gian cho chính bản thân mình, việc học để nâng cao kiến thức hay tìm kiếm thông tin cũng bị hạn chế. Thu nhập của người nghèo chỉ đủ sống, phục vụ cho người giàu.
Chú Hùng hiện làm bảo vệ cho tòa nhà chung cư. Công việc của chú có 2 ca: 1 ca trực tòa nhà và 1 ca trực gửi xe. Công việc hàng ngày không nặng nhọc lắm, nên phần lớn thời gian chú ngồi và khi có thời gian rảnh thì xem YouTube, TikTok. Đến giờ, chú Hùng đã làm việc ở chung cư được 10 năm; hàng tháng chú lãnh lương lo cho gia đình và còn một ít để dùng cho việc hút thuốc. Từ ngày làm bảo vệ cho chung cư, chú không đi xe nên cũng không mất tiền xăng, vì chú cũng không đi chơi du lịch. Chú thích làm bảo vệ quanh quẩn, rảnh rỗi xem điện thoại rồi hút thuốc. Hôm nào được nghỉ mà có ai mời nhậu thì chú cũng nhậu. Cuộc sống của chú ở tuổi 50 cũng không có gì nổi bật.
Rồi một hôm, chú Hùng bị đau bụng, sau đó đi khám và phát hiện ra bị viêm gan. Giờ chú không có tiền tích lũy để đi khám bệnh, phải chạy vạy mượn tiền mới có tiền đi khám và điều trị. Mọi người nói rằng do chú Hùng hay nhậu và hút thuốc nên ảnh hưởng đến gan. Giờ chú không thể đi làm, chỉ ở nhà và đi bệnh viện. Người nhà phải vay nợ để có tiền điều trị. Cuộc sống rất khó khăn nhưng vẫn phải có tiền trả viện phí. Đây cũng là một trong những câu chuyện có thật, vì nhiều người nghĩ rằng khi mình bị bệnh thì mới đi khám, họ không có kế hoạch tài chính nên khi xảy ra chuyện là họ vay mượn để chi tiền ngay lập tức, không cần biết là ít hay nhiều, vay lãi suất bao nhiêu họ cũng chấp nhận miễn là có tiền để trang trải.
Khi vào bệnh viện, tất cả tiền chụp hình, xét nghiệm, bác sĩ nói là phải đóng tiền máy mới chạy, mới có kết quả cho bác sĩ xem. Nếu chúng ta biết vài năm nữa sẽ bị bệnh thì quá đơn giản rồi. Ngày hôm nay, chú Hùng nhậu và hút thuốc rất thoải mái, nhưng không biết rằng mình đang đưa chất độc vào cơ thể. Nguyên nhân khiến chú Hùng vào viện chính là do không có kế hoạch bảo vệ sức khỏe. Đây là lúc chú phải xài tiền bất đắc dĩ mà không biết tình hình sức khỏe đang đi xuống và nó sẽ xảy ra khi nào.
Câu chuyện của anh họ tôi, anh Toàn, cũng tương tự. Anh là giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn. Từ khi anh Toàn lập công ty, anh có người anh họ tên là Sơn, cũng làm chức lớn trong ngành tàu biển nên đã giúp anh Toàn có được những dự án to nhỏ thuộc xí nghiệp tàu biển của nhà nước. Cuộc sống của anh Toàn và gia đình từ khi có anh Sơn trong ngành tàu biển giới thiệu nên cũng khá hơn. Anh Sơn và anh Toàn rất thích nhậu, vì họ đã quen với văn hóa ăn nhậu để ký kết hợp đồng. Có lần, anh Toàn chi vài chục triệu để trả cho một chầu nhậu và còn mừng vì được ông trưởng phòng vật tư bật đèn xanh cho dự án lớn. Rồi cũng nhiều lần như vậy, anh mua được ô tô, cứ 5 năm là đổi ô tô một lần.
Chỉ sau một thời gian, một hôm anh Toàn đi khám bác sĩ mới phát hiện mình bị gout, cao huyết áp và bệnh cột sống. Nhưng vì công việc, anh thích nói chuyện trên bàn nhậu và ký hợp đồng trong các buổi nhậu. Ngày cuối tuần không có việc gì, một mình anh ở nhà cũng làm ly rượu vì tật thèm bia không bỏ được. Anh Toàn cũng hay gọi điện cho tôi qua nhà chơi; khi tôi giúp anh việc gì thành công, anh lại gọi điện mời tôi qua nhà. Tôi thì không có thời gian nên luôn từ chối. Tôi không đi vì ở nhà có nhiều việc chưa xong.
Quay lại chuyện anh Toàn, từ ngày có tiền khi trúng những dự án lớn, anh càng nhậu nhiều hơn. Ở nhà, bàn nhậu của anh là những hủ rượu thuốc, nào là rượu tốt cho gan, rượu tốt cho thận, rồi rượu tốt cho người uống rượu nữa… Tôi thấy ở nhà anh toàn hủ với hủ, như một cửa hàng rượu. Hình như ở Việt Nam, nhà nào giàu cũng phải có rượu; vào nhà nào có của để dành một chút là hình như thấy mấy chai rượu tây hay rượu thuốc ngâm rễ cây và động vật quý hiếm.
Một hôm thức dậy, chân đau không đi nổi, lúc đó đi khám thì phát hiện bị gout – căn bệnh nhà giàu, như nhiều người ở Việt Nam vẫn nói. Rồi anh bị thêm bệnh cột sống. Giờ anh đi làm, tiền kiếm được chỉ để phục vụ cho bệnh tật. Có năm, anh chi cả tỷ để chữa bệnh, giờ sức khỏe của anh đã yếu đi. Anh cũng không bỏ được thói quen nhậu. Khi bệnh, anh phải chi tiền, mặc dù lương thưởng cho công nhân thì co bóp lại, có khi nợ lương nhân viên đến mấy tháng.
Giờ anh phải bỏ số tiền lớn để chữa bệnh, trong phong cách làm việc, anh cũng gặp nhiều vấn đề bất chợt. Anh không chịu mua máy tính mới mà cố gắng dùng máy cũ. Nhiều khi, anh mua phần mềm cho máy phát điện vài chục triệu để cài đặt vào máy tính cũ. Khi máy tính cũ bị lỗi, thợ báo phải thay nguyên bản mạch chính, người ta không có cách nào để đồng bộ phần mềm, nên phải lấy một cái máy tính giống như vậy tháo bản mạch chính ra để thay vào máy tính cũ của anh. Tiền thay máy hỏng còn nhiều hơn tiền mua máy mới. Cuộc sống của anh kiếm được tiền nhưng chi tiêu toàn cho những việc cấp bách. Người ngoài nhìn vào nghĩ anh giàu có, nhưng thực tế bên trong nhiều khi tôi thấy Anh tiết kiệm, không dám mua những cái cần thiết. Thật đáng tiếc. Anh Toàn là một hình mẫu của người nghèo chứ không phải người giàu như nhiều người bà con vẫn thường khen anh giỏi và giàu có.
Người nghèo thì ngày càng nghèo hơn nếu họ không thay đổi tư duy. Còn người giàu chỉ có một kiểu càng ngày họ càng giàu hơn và rất khó để họ nghèo đi. Người giàu biết cách đầu tư, biết hoạch định và họ thường xuyên học hỏi để phát triển bản thân. Dĩ nhiên, người giàu có thể hiện tại họ chưa có nhiều tiền vì họ đang đầu tư cho trí tuệ và sức khỏe. Có thể thời gian dài chúng ta mới thấy kết quả tốt. Không có người giàu nào chịu đầu tư ngắn hạn; họ tập trung làm nhiều việc để tạo ra giá trị lâu dài. Bạn thấy nhiều người thường bảo vệ sức khỏe khi chưa có bệnh; họ thường đi tập thể thao. Hàng năm, họ chưa có bệnh nhưng vẫn mua bảo hiểm và khám bệnh định kỳ. Họ không hút thuốc, không uống rượu, không chơi những trò ảnh hưởng đến sức khỏe và mất thời gian. Họ chỉ biết cách làm cho cuộc sống của họ tốt lên, còn để tạo ra cuộc sống tạm bợ thì họ không làm được.
Thường thì họ không thích đi siêu thị, không tiêu tiền theo cảm xúc. Mỗi lần họ muốn mua gì, họ luôn để đó rồi chờ đợi xem cảm xúc có thật sự muốn hay không, hay tính toán cần phải mua thì mua, lúc đó họ mới quyết định mắc nhưng chất lượng họ vẫn đầu tư mua. Người giàu không thích tiêu tiền mua hàng hiệu đắt tiền mà không có mục đích sử dụng, họ cũng không thích ăn quá ngon hay quá đắt. Họ không thích uống nước ngọt vì phải trả tiền, còn nước lọc thì họ sẵn sàng mua để uống. Họ không muốn dành thời gian để xem những kênh mua bán; thay vào đó, họ ngồi viết sách, học hỏi, bàn công việc với đối tác… Họ không dùng thời gian xem phim, nghe nhạc, xem YouTube giải trí; thay vào đó, họ làm việc cho kế hoạch bản thân. Thay vì tụ tập bạn bè, họ ở nhà chăm sóc gia đình. Đối với họ, thời gian cũng là một khoản đầu tư, không phải là lãng phí. Cuộc sống của họ không có gì vật chất nhưng họ không cảm thấy thiếu thốn. Không dễ để thuyết phục họ mua những món họ không cần. Họ có đầy tiền trong túi nhưng không cho ai.
Người giàu thường đầu tư số tiền lớn để cải thiện xã hội; họ không cho tiền mặt, nhưng có thể xây dựng một ngôi trường hay một cây cầu cho cộng đồng. Người giàu không thích ăn những món ăn hại cho sức khỏe; họ thích ăn luộc hơn là chiên xào. Họ sống một cuộc sống đơn giản nhưng với họ không thiếu thốn. Người giàu dùng tiền và trí tuệ để xây dựng những dự án lớn nhằm khai thác tiền của người nghèo. Họ xây bệnh viện, xây trường học để thu hút nhiều người vào sử dụng dịch vụ họ tạo ra, nhằm mục đích kéo người nghèo vào sử dụng.
Đúng là người giàu thường dùng những sản phẩm chất lượng, mà để hoàn thành những sản phẩm chất lượng, người tạo ra cần bỏ nhiều thời gian và công sức tỉ mỉ. Nghĩa là khi họ bỏ một số tiền ra, họ sẽ sử dụng được sản phẩm chất lượng. Đây là cách người giàu tiêu xài, họ mua quần áo, xe cộ khi họ có quá nhiều tiền. Nhưng người nghèo lại nghĩ rằng phải ăn mặc như người giàu thì họ mới trở nên giàu. Một chiếc xe sang với bộ bánh mâm sáng bóng không có nghĩa là cứ xe nào có bánh mâm sáng bóng là xe sang, không phải cứ mặc đồ hiệu là mình trở nên giàu có. Chúng ta thường nghĩ người giàu tiêu tiền mua hàng hiệu mắc tiền mà không tính toán, với họ đồng tiền luôn có giá trị nên không bao giờ họ mua đồ không có sự tính toán trước. Người giàu sống đơn giản, vì họ không cảm thấy thiếu thốn khi không có bộ quần áo hiệu, chiếc xe mới hay điện thoại mới. Với họ, những cái mới đó không bằng cái họ đang dùng thì họ sẽ không bỏ tiền ra mua cái mới là chi.
Người giàu làm ra dịch vụ, sản phẩm bán cho người nghèo, chỉ cần bỏ ít thời gian hơn nhưng vẫn đáp ứng được mong đợi của người nghèo. Khi người giàu làm ra sản phẩm dành cho người giàu, họ phải tốn rất nhiều năng lượng, yêu cầu sản phẩm phải chất lượng, với người giàu sở hữu một món đồ giống như thưởng thức một bức tranh đẹp vậy. Còn người nghèo, họ dùng tranh sao chép được rồi, sản phẩm lỗi chút nhưng giá rẻ cũng được; họ luôn thích dùng chữ “được rồi”, “thôi cũng được”, “vậy cũng được”…
Phương pháp tạo ra sản phẩm để thu hút người nghèo không cần cầu kỳ, hầu hết sản phẩm có mặt trên thị trường đều dành cho người nghèo, như thuốc lá, bia rượu, và những sản phẩm làm đẹp bên ngoài, quần áo, giày dép mắc tiền, những loại sản phẩm này dành cho người nghèo có tiền, còn có nhiều sản phẩm giá quá rẻ mua về chỉ dùng được vài lần đến vài chục lần vứt để mua cái mới thay thế, đây là loại sản phẩm cho người nghèo ít tiền. Rồi những món ăn nhanh nhiều dầu mỡ nhưng ít chất bổ, đây là cách người nghèo thích, họ thích ăn những món ngon miệng mà không cần biết nó có tốt cho sức khỏe hay không. Họ tham gia vào những cuộc vui ngồi 4, 5 tiếng đồng hồ ngoài quán xá để bàn luận về những chuyện trên báo chí mà họ như những chuyên gia.
Người nghèo thích sắm sửa, thích chạy theo bắt chước như người hàng xóm hay bạn đồng nghiệp. Họ dùng lương của 2, 3 tháng để mua điện thoại iPhone cao cấp. Còn người giàu, họ mua iPhone hay Samsung không quan trọng, miễn là cái nào cần thì họ mua. Có thể họ mua iPhone, hoặc không cần thiết, họ có thể dùng chiếc điện thoại cũ từ vài năm trước cũng không sao. Chỉ khi nào họ đổi điện thoại là vì nó chạy quá chậm, lỗi liên tục.
Rồi những bộ phim truyền hình, phim chiếu rạp thường móc túi người nghèo, chứ người giàu họ đâu thèm đi xem, vì tốn tiền mua bỏng ngô. Nhiều hơn nữa là những quảng cáo cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe bằng những viên thuốc. Bạn nghĩ người giàu sẽ mua sao? Không, họ đã biết những viên thuốc đó là lừa đảo, chẳng bao giờ uống viên thuốc đó vào mà bổ sung vitamin hay chống loãng xương được. Họ chỉ thích nạp vào cơ thể mình từ rau, củ quả, cá và những thực phẩm thật, không phải ba cái viên thuốc độn bột.
Tại sao sản phẩm cho người nghèo lại tính đến việc có mặt mũi hơn là giá trị sử dụng? Vì người nghèo thích khoe những gì họ không có. Họ bỏ tiền ra 10 đồng nhưng chỉ sử dụng có 2 phần trong sản phẩm, còn 8 phần còn lại họ không quan tâm, và họ cũng không thấy tiếc tiền. Họ chấp nhận đi vào những ngày nghỉ lễ với tiền khách sạn tăng lên gấp 3, 4 lần để khoe với bạn bè và người thân rằng họ sành điệu, họ biết chơi, họ là người thành đạt. Họ vay tiền ngân hàng để mua nhà, làm nhà mới và chấp nhận trả nợ cho ngân hàng đến 15 năm. Trong khi đó, sau 15 năm, giá nhà có thể đi xuống, sức khỏe cũng giảm đi, đến khi họ trả hết nợ thì không còn khả năng tự kinh doanh hay xây dựng phương pháp làm giàu cho riêng mình, vì họ không còn thời gian, và cũng không có thời gian học hỏi kiến thức trong 15 năm đi làm trả nợ ngân hàng.
Cần cẩn trọng để không trở thành nguồn tài chính cho người giàu khai thác. Hãy tỉnh táo và thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, luyện tập để tránh xa những cạm bẫy của sự giàu sang ảo tưởng. Tìm kiếm cái chính trong tâm hồn, thân thể mới là giá trị cốt. Khi bạn có đầy đủ yếu tố của người giàu và loại bỏ hết tính cách của người nghèo, bạn sẽ trở nên giàu có.