Ngoài thế giới tự nhiên, mọi vấn đề đều không có rào cản; nó chỉ có quy luật tự nhiên.
Nhưng trong thế giới mà chúng ta đang sống, giữa con người với con người, đã tạo ra luật pháp và văn hóa. Chính vì yếu tố này mà nó làm thay đổi thế giới tự nhiên. Ngày xưa, khi chưa có luật pháp, con người thích ăn thì ăn, thích săn bắt bao nhiêu cũng được. Có người thích làm bất cứ việc gì mà không phải suy nghĩ đến vấn đề luật pháp và văn hóa. Ngày nay, chúng ta được dạy trong môi trường xã hội phải tuân thủ pháp luật và văn hóa nơi mình sống. Điều này trở thành rào cản rất lớn để con người phát triển mạnh mẽ hơn, nhanh hơn. Nó kiềm chế giới trẻ, khi họ làm gì cũng phải suy nghĩ đến vấn đề luật pháp. Bởi vì luật pháp có những vấn đề lợi ích cho một nhóm người, nó lại hạn chế rất lớn đến sự phát triển của người khác.
Trên một con đường có rất nhiều người đi, luật pháp không cho phép đi nhanh quá tốc độ. Nếu bạn muốn đi nhanh cũng không được; khi bạn thiết kế một phương tiện muốn vượt quá tốc độ cho phép đều không được cấp phép. Chính điều này làm giới hạn bản thân. Đây chỉ là một ví dụ dễ hình dung. Nhưng ngoài thực tế còn rất nhiều vấn đề vô hình khiến giới trẻ bị ảnh hưởng, làm cho họ không dám suy nghĩ hay hành động vượt ngoài quy định.
Văn hóa người Việt Nam là khi sinh ra, họ được dạy phải thờ cúng, thờ thần, thờ tượng. Họ dạy cho con cái sợ ma, sợ trời… Khi lớn lên, nỗi sợ làm giới hạn chúng ta ra ngoài ban đêm. Khi làm những công việc có chút linh thiêng, họ bị sợ hãi, không làm hết sức mình, không dám suy nghĩ vượt qua sự sợ hãi. Ngày xưa ở quê tôi, Quảng Ngãi, có cây cầu tên là Cầu Trường Xuân. Mọi người thường nói cầu đó linh thiêng, có nhiều người nhảy cầu tự tử, nên ở đó có nhiều linh hồn. Ai đi qua cầu buổi trưa cũng phải e dè sợ hãi; nhiều khi có việc, họ không dám đi, bỏ lỡ nhiều cơ hội để hành động. Hình ảnh đó ám ảnh nhiều người. Lúc nhỏ, tôi thường nghe về nó và cũng có những nỗi sợ. Rồi khi hiểu ra vấn đề, khi tôi trải nghiệm nhiều, tôi hết sợ. Tôi muốn chứng minh với bản thân rằng không có gì ở đó như nhiều người nghĩ. Cho đến một ngày, tôi bơi một mình qua con sông mà người xưa nói cây cầu Trường Xuân có nhiều ma ám. Khi tôi vượt qua nỗi sợ hãi và không nghĩ thực tế là vậy, tôi đã bơi từ bờ bên này qua bờ bên kia.
Cảm nhận của tôi là cây cầu nhìn từ dưới nước lên rất đẹp và hùng vĩ. Nước sông ở đó rất trong sạch nhờ lớp cát trắng mịn như một hệ thống lọc tự nhiên bằng cát và sỏi, nên dòng nước ở đây rất trong và sạch. Sau khi tôi bơi qua con sông, tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn. Chiều hôm đó, tôi về kể lại hành trình cho ba và anh chị tôi nghe. Họ nói tôi bị điên, làm một hành động quá nguy hiểm. Trong câu nói của họ có hàm ý rằng may mà tôi bơi hên, chứ lỡ có ma hay những người chết kéo chân xuống thì tôi sẽ chết. Họ còn dặn tôi từ nay đừng làm những việc ngu ngốc tương tự.
Nếu tôi cũng giống như những thanh niên được cha mẹ thêu dệt những câu chuyện thần linh, chết chóc, thì làm sao tôi có thể vượt qua nỗi sợ hãi để đối mặt với dòng sông đẹp đến vậy? Ba tôi và anh chị tôi chưa bao giờ bơi qua con sông đó, họ biết gì về con sông mà nói nó nguy hiểm. Tôi là người đã bơi qua con sông, chính tôi mới là người nên nói về con sông đó cho người khác biết có nên bơi qua hay không. Ý kiến của tôi mới có giá trị. Còn những người chưa bao giờ làm thì những gì họ nói, vui lòng đừng tin, đặc biệt là vấn đề làm nỗi sợ hãi vô hình đưa vào đầu, làm giới hạn bản thân người trẻ.
Ngày nay, giới trẻ được tiếp xúc với những hình ảnh trên tivi, các đoạn phim quảng cáo, các đoạn phim hành động. Những bộ phim này làm giới trẻ nghĩ không đúng về thực tế. Ví dụ, có một bộ phim về những băng đảng giang hồ tụ tập cầm dao đi đánh nhau, những anh giang hồ phải xăm mình, phải cởi áo mặt bợm trợn, thấy ai cũng muốn đánh, muốn chém. Giang hồ có thể chém bất cứ ai mà họ muốn, và họ muốn trấn lột ai cũng được. Vào các khu chợ hay nhà hàng, giang hồ như vua, đi đâu cũng có đàn em. Những bộ phim này làm giới trẻ cứ nghĩ ra ngoài đường ở đâu cũng có giang hồ, giang hồ ở khắp mọi nơi, ở đâu có chợ, có tụ tập là giang hồ ở đó để “xử” bất cứ ai chống đối. Nó khiến giới trẻ lớn lên thích tập hợp nhóm này nhóm kia để cầm dao đánh nhau. Chính điều này giới hạn giới trẻ, làm cho họ nghĩ muốn trở nên giàu có, làm vua thì phải đánh nhau; đánh càng nhiều, càng không sợ thì sẽ làm đại ca, và khi làm đại ca thì họ sẽ có đàn em đi theo như một vị vua. Tai hại rất lớn là nếu thanh niên lớn lên dính vào những trò chơi dao búa, thì lỡ vi phạm pháp luật sẽ mất hết cơ hội làm việc.
Rào cản từ phim ảnh, từ gia đình, xã hội làm giới trẻ lo lắng, sợ hãi trước khi hành động. Họ sợ sai, sợ ảnh hưởng, điều này làm cho tinh thần không tập trung, ý chí không mạnh mẽ, hành động không quyết đoán, dẫn đến giá trị cuối cùng không đạt giới hạn cao nhất. Người ta không tin rằng tiền điện tử có giá trị; ai cũng nghĩ tiền giấy mới có giá trị, và truyền thông nói rằng tiền điện tử là lừa đảo, tiền ảo. Nhiều quốc gia còn đưa tin rằng tiền điện tử là chơi, là tiền lừa đảo. Khi tôi nhắc đến tiền điện tử, những người xung quanh, bạn bè tôi còn lên án, nói tôi không lo làm ăn, toàn đi chơi cờ bạc, chơi tiền điện tử. Họ được truyền thông viết về một số người lừa đảo tiền điện tử và mặc nhiên tin rằng tiền điện tử là một trò lừa đảo. Nhưng từ khi có tiền điện tử, nó đã giải quyết nhiều vấn đề giao dịch thương mại và mang lại giá trị rất lớn. Nó làm thay đổi thế giới, không ai có thể thay đổi sổ kế toán, không ai có thể gian lận trong các giao dịch thương mại. Việc chuyển tiền không cần tốn quá nhiều chi phí như ngân hàng hiện nay. Vấn đề kiểm soát tiền cũng giảm đi. Tại sao tiền của chúng ta làm ra mà phải bị một tổ chức nào đó kiểm soát, bắt chúng ta phải đóng phí giao dịch?
Thường người ta được dạy theo lối truyền thống là bắt chước nhau. Khi ai đó chưa làm, nếu có một ai đó làm, họ sẽ bị chỉ trích. Còn ai đó làm được rồi, họ sẽ lao đầu vào làm mà không cần tìm hiểu mình có phù hợp hay không. Chính điều này làm giới hạn sự sáng tạo. Khi những bạn trẻ muốn làm gì khác người, họ sẽ bị những người xung quanh lên án, hoặc họ cấm không cho làm luôn như cha mẹ hay anh chị chỉ trích mạnh mẽ. Điều này là một thách thức rất lớn.
Đừng để những yếu tố bên ngoài chi phối bạn, hãy soạn sẵn kế hoạch và chạy theo mục tiêu. Đừng để ý đến những tiếng ồn xung quanh mà hãy tập trung vào công việc của mình. Hãy thử nhỏ rồi tập nhiều, bạn sẽ có kinh nghiệm để biết điều gì đúng hay sai.
Câu chuyện người Nhật muốn tạo ra một máy tính như con người, họ cố gắng nỗ lực để tạo ra một chiếc máy thông minh như con người. Những nỗ lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và robot đã dẫn đến một trong những dự án nổi bật là “AIBO” của Sony, một chú chó robot. Mặc dù không hoàn toàn giống con người, nhưng nó phản ánh ước mơ tạo ra những sinh vật thông minh.
Dự án robot và AI đã gặp khó khăn trong việc mô phỏng hoàn toàn hành vi và cảm xúc của con người. Các công nghệ chưa đủ phát triển để đạt được điều này.
Những bài học rút ra sau thất bại của dự án là kỹ thuật và công nghệ: họ nhận ra rằng cần phải cải thiện công nghệ cảm biến, học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Dự án giúp họ hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa con người và máy móc, từ đó phát triển các sản phẩm thân thiện và dễ sử dụng hơn. Sau sự thất bại, họ đã học được sự tiến bộ trong các lĩnh vực khác. Những thất bại này đã dẫn đến sự phát triển trong các lĩnh vực như robot phục vụ, trợ lý ảo và công nghệ tự động hóa, tạo ra nhiều ứng dụng hữu ích trong đời sống. Những nỗ lực này vẫn tiếp tục, với hy vọng một ngày nào đó sẽ có thể tạo ra những hệ thống thông minh hơn, gần gũi với con người hơn.
Dù không thành công trong việc tạo ra máy tính như con người, nhưng những nỗ lực này đã mở ra nhiều cơ hội mới cho công nghệ và xã hội. Ngày nay, công nghệ AI đã tạo ra nhiều công cụ giúp ích cho công việc của chúng ta rất nhiều. Không điều gì làm nên thất bại cả; nó chỉ là hành trình để đi đến thành công.