Bệnh viện nơi bản chất thật của con người

Những nơi sang trọng như nhà hàng, siêu thị, các địa điểm du lịch và quán cà phê là nơi con người thường xuyên khoe khoang những gì mình có. Họ khoe cả những thứ không có, khoe sự thành công và thành đạt. Họ không nói mình giỏi, nhưng qua hình ảnh đứng cạnh xe ô tô đắt tiền, ngồi bên người nổi tiếng, hay chụp với những người xăm trổ, tất cả đều nhằm mục đích khoe khoang sự giàu có: đi với kiều nữ, đi tàu cao tốc, hay bay trên máy bay hạng sang.

Xã hội bên ngoài thường bị che lấp bởi ánh hào quang đầy màu sắc, những âm thanh vui vẻ, con người khoác lên mình những bộ áo đắt tiền, cùng với những bức ảnh được chỉnh sửa trông lộng lẫy. Tất cả chỉ là vỏ bọc bề ngoài. Chúng ta nhìn không biết ai là thật, ai chỉ có cái vỏ bên ngoài, thật khó phân biệt. Có câu: “Ở trong chăn mới biết chăn có rận.” Dù bạn học cao, hiểu rộng, cũng khó mà biết trong túi mỗi người có bao nhiêu tiền, nắm giữ bao nhiêu tài sản. Có thể người kia là công an mật, hay người khác là đại ca ngầm. Nhìn cô gái kia khoác bộ đồ hiệu với túi xách đắt tiền, nhưng ai biết cô ấy mượn đồ của bạn để chụp ảnh? Anh giám đốc kia vẻ ngoài sang trọng, nhưng có ai biết anh ta đang gánh nợ ngân hàng? Hay một ngân hàng to có khi chỉ sau một đêm sáng hôm sau lại gặp vấn đề về làm ăn tai tiếng, người ta đến rút hết tiền còn lại.

Xã hội như những lớp vỏ bọc. Mỗi ngày ra ngoài, ai cũng mặc cho mình một bộ quần áo, có thể cũ kỹ hay mới toanh, nhưng phía bên trong là gì thì không ai đoán ra được. Buổi sáng, anh ta là một người cha, người chồng; đến công ty, anh ta mặc chiếc áo có logo công ty, là một trưởng phòng hét ra lửa. Chiều đến, thay áo, anh chạy đến phòng tiếp khách trong quán bar, anh chính là dân chơi đích thực. Tối về, anh lại là người chồng phải cuốn cuồng nghe theo vợ. Trong một ngày, chúng ta có thể mặc nhiều chiếc áo thể hiện bản thân; mỗi môi trường chúng ta là một bộ mặt khác nhau.

Một hôm nọ, tôi đến bệnh viện khám bệnh, gần như ai cũng như ai. Anh giàu sang hay thấp hèn, người mẫu hay ca sĩ nổi tiếng, người học cao học rộng cũng đều giống nhau. Khi vào bệnh viện, bác sĩ mặc những chiếc áo trắng, đến với mỗi người để chẩn đoán, và bệnh nhân phải chờ đợi phán quyết cuối cùng: ai sống, ai chết cũng phải chịu, không cãi. Cảnh tượng mọi người ngồi chờ bác sĩ đọc tên vào khám, ai cũng lắng tai nghe. Nếu không có tên thì chỉ còn cách ngồi chờ.

Có lần tôi xem tivi thấy một ca sĩ nổi tiếng rất giàu, lúc anh nằm trên giường sau phẫu thuật, hình ảnh khuôn mặt tiều tụy thay vì áo kim tuyến sặc sỡ, chỉ còn bộ đồ bệnh nhân. Tôi tự hỏi sao không thiết kế bộ đồ bệnh nhân đẹp hơn cho bệnh nhân mặc để trông tươm tất hơn. Quay lại chuyện của nam ca sĩ, bạn bè anh đến, người mang hoa, người mang trái cây đến chụp hình. Lúc này, nụ cười trên khuôn mặt anh ca sĩ bệnh nhân là chân thật nhất, nụ cười mang vẻ đau đớn, mới thật sự là chân thật. Anh không còn nhảy múa như trên sân khấu, mà ngồi vắt chân trên giường như một người già.

Chúng ta tìm mọi cách để sức khỏe tốt hơn, làm việc cật lực để có tiền lo cho sức khỏe lúc lớn tuổi. Nhiều người như lột da để sống, họ như bất tử, không sợ tử thần ghé thăm. Nhiều thanh niên đã vào bệnh viện nhưng vẫn thách thức: “Ôi chao, chẳng sao cả,” ra khỏi bệnh viện kiểu “ta đây bất chấp đất trời,” chắc Thượng đế cũng thương tình cho vào viện mà ít đau, để lần sau đau thêm vài trận nữa xem có còn cứng đầu không.

Tội nghiệp nhất là những người không biết mình đang bệnh nặng. Bác sĩ nói họ đã bị type 3 – giai đoạn 3 rồi mà họ vẫn nghĩ không có gì. Họ coi mạng sống như trò giỡn chơi, lao như con thiêu thân đi kiếm tiền, chơi bời không biết điểm dừng. Khi đau, ra tiệm thuốc tây có “bác sĩ” dược sĩ khắp nơi cho vài viên thuốc là hết đau. Nhưng họ không nghĩ đó chỉ là vài liều thuốc giảm đau tạm thời. Đến khi đau quá, uống thuốc không hết mới đi bệnh viện cấp cứu thì phát hiện không còn thuốc chữa.

Đau khổ nhất là khi chúng ta khỏe mạnh, chạy theo những ảo tưởng danh vọng, làm những điều người khác thích. Đến lúc cho mình, không còn thời gian. Như có anh kia từ khi bắt đầu kinh doanh, anh bỏ quên tất cả gia đình, vợ con, lao vào kiếm tiền, ngày đêm cày quần quật, có khi vợ anh còn bị mắng: “Tôi làm cho ai, làm cho cái nhà này chứ cho ai.” Anh đi nhậu để kết giao làm ăn cũng là để kiếm tiền, đi với cô này, anh kia là khách hàng, không đi thì làm sao có hợp đồng. Con anh ở nhà đi học, anh cũng không biết nó học hành ra sao vì đã có tiền đóng học phí, trường tốt không phải lo. Anh cứ lo chạy ra ngoài kiếm tiền, con anh đi học về có người đón rước. Anh phải bận đi công tác, không có thời gian. Với anh, thời gian quý hơn cả vợ con, anh luôn lấy lý do: “Không cho tôi thời gian thì sẽ không có tiền đâu.”

Nhà anh không thiếu thứ gì, từ ô tô, nhà lầu cao rộng, đến mấy chiếc xe đậu dưới hầm. Trong thiên hạ, anh hô gió gọi bão, nhân viên cấp dưới ai cũng sợ anh, alo một cái là có mặt. Anh như ông vua, ăn toàn sơn hào hải vị, uống toàn rượu thuốc, ăn nhân sâm. Anh luôn khoe những món ăn từ động vật quý hiếm mà nhờ mối quan hệ với mấy anh lớn. Tôi chả biết ai lớn hơn anh nữa mà anh nói như vậy. Rồi ngày cũng đến, anh nhập viện, bị phát hiện tiểu đường, sau đó là gout vì ăn quá nhiều sơn hào hải vị, toàn chất bổ, vừa ăn vừa uống bia. Anh vào bệnh viện, chân đi cà nhắc, chỉ có duy nhất người vợ bên cạnh dìu anh đi. Chân sưng to mà sao không thấy bạn bè tới rủ đi chơi, mà chỉ có mỗi vợ dìu đi. Một phần sỹ diện, một phần không muốn đối tác bạn bè biết mình có vấn đề sức khỏe. Mặt mày tiều tụy vì những cơn đau nhức, anh phải đi cà lết đến phòng khám.

Hình hài lúc này không còn những hình ảnh áo vest, giày tây hay đồng hồ hàng hiệu. Cái anh đối mặt lúc này là những lời nói từ bác sĩ hay sự quát nạt từ mấy cô y tá: “Thay đồ, cởi đồ, rồi leo lên giường, vào phòng chụp X-quang hay phòng lấy máu.” Lúc này, mặt mày không còn tươi cười, khuôn mặt lộ rõ nỗi đau đớn. Bản chất thật sự của chúng ta là những lần bị cảm sốt nằm liệt giường, ăn cháo hay những trận đau phải nhập viện, nằm viện vài ngày là hình ảnh thật sự của mình hiện ra.

Đến bệnh viện, khoác lên chiếc áo bệnh nhân, ai cũng lộ ra hết nỗi sợ hãi của mình. Ai có mạnh mẽ đến đâu cũng phải khuất phục trước bệnh tật. Thượng đế sinh bạn ra, nhưng đến khi sắp ra đi, bạn có xin vài phút đồng hồ, Thượng đế cũng không cho. Lúc đó, tiền bao nhiêu cũng không đủ; bạn sẽ suy nghĩ nên dùng hết số tiền kiếm được để tiêu xài cho bác sĩ hay để dành cho vợ con. Thủ tướng hay tổng thống cũng phải khuất phục trước bệnh tật và ra đi. Sức khỏe là cái chúng ta theo đuổi để làm cho cơ thể tốt hơn, nhưng vô tình, chúng ta lại chạy theo cái làm hại cơ thể.

Nhiều người nghĩ rằng họ giỏi trong việc kiếm tiền, có thể mua được sức khỏe, mua được bác sĩ. Họ mua gói khám bệnh hàng năm, nhiều người lầm tưởng khám tổng quát hàng năm là không có bệnh. Thực chất, khám là để phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Nhiều người sau khi đi khám tổng quát về khoe là không có bệnh, nên tha hồ ăn nhậu thoải mái, ăn uống vô độ. Khi có bệnh, họ dùng tiền để bác sĩ cho mình những lọ thuốc tốt nhất, điều kiện điều trị tốt nhất, nhưng đến lúc này đã quá muộn. Khi chúng ta nhìn thấy bệnh, có nghĩa là cơ chế sinh học, các bộ lọc trong cơ thể không còn hoạt động nữa. Bệnh tiểu đường có phải là do cơ thể không còn chức năng lọc đường huyết hay không? Hay những bệnh ung thư là do cơ thể đã hết chức năng tạo ra các tế bào mới?

Có hai vấn đề để chúng ta suy ngẫm: bệnh do tuổi già và bệnh do ăn chơi quá độ, tức là ăn quá nhiều hay chơi quá nhiều. Như ăn quá nhiều thịt thì cũng không tốt, thức khuya quá nhiều cũng không tốt, lười biếng quá nhiều cũng không tốt. Không chịu tập thể dục thì sức khỏe không có dẻo dai, cơ bắp ít vận động thì sinh ra khô các khớp trong tay chân. Uống rượu quá nhiều cũng ảnh hưởng đến bao tử.

Mọi người quên đi cái đau chỉ sau vài năm, đó là tâm lý. Có người đã đi bệnh viện mổ một lần rồi, về nhà kiêng cữ đâu được vài tháng thì cái đau bị quên mất, thế là tiếp tục lao ra kiếm tiền, những thói quen hủy hoại cơ thể lại quay về. Cái này là tự nhiên vì cái đau không thể tồn tại quá một năm; sau một năm nó biến mất, làm chúng ta quên đi. Nếu ai đó hiểu biết thì sẽ tránh, còn không thì cũng quay lại với con đường ăn uống vô độ mà thôi, nên bệnh tái phát là vậy.

Chúng ta có giàu sang phú quý đến đâu, khi đến bệnh viện, chúng ta đều như nhau cả. Ai cũng thấu hiểu điều này, bởi vậy khi ngồi khám bệnh gần các cô chú làm chức vụ này, vị trí kia, khi bệnh đến ôm cái bụng đau rồi, lúc đó không còn to tiếng quát nạt nữa. Lúc đó, mọi người nói chuyện rất chừng mực, biết thông cảm cho người ngồi kế bên. Ai cũng như ai, cảm xúc đau đớn như nhau rồi, suy nghĩ có vẻ gần gũi hơn.

Cho dù là ai, bạn mang hình hài gì, khi bệnh ập đến cũng phải chịu, không ai chịu thay mình hay giữ cho bản thân thông sáng. Chúa có nói: “Thân thể là đền thờ của Đức Chúa Trời.” Phải trân quý nó, làm cho nó tốt nhất, sạch sẽ nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *