Con cái là tài sản của xã hội

Mỗi đứa trẻ sinh ra là một phần của xã hội. Khi được nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành, nếu nó trở thành đứa trẻ hư hoặc tốt thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến xã hội. Nhiều người suy nghĩ rằng xã hội phải có người này người kia, nhưng nếu một xã hội có nhiều người tốt, thì việc tạo thêm những con người tốt tiếp theo sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại, nếu xã hội phần lớn là những con người xấu, việc tạo nên người tốt sẽ rất khó. Bản chất con người từ khi sinh ra giống như loài động vật sống theo bản năng và bắt chước hành vi của những người xung quanh.

Tại sao cách đây vài năm, thanh niên khỏe mạnh ít khi vào quán bar, vũ trường hay quán nhậu? Ngày nay, phần đông thanh niên đều biết quán nhậu là gì và đã nhiều lần thử. Nhiều thanh niên sau khi đi làm về thường rủ bạn bè đi vũ trường và uống bia như một món giải khát bình thường. Tương tự, tại sao lại có nhiều người đàn ông hút thuốc? Ở miền Bắc Việt Nam, thanh niên hút thuốc lào. Điều này do văn hóa xã hội dẫn dắt chúng ta đến những hành vi không tốt, và vì ảnh hưởng từ gia đình, từ những người xung quanh, nên khi lớn lên, họ bắt chước mà không biết mình đang làm hại sức khỏe.

Vấn đề giáo dục một đứa trẻ rất quan trọng. Khi trẻ được sinh ra trong gia đình có người cha hiểu biết và trải qua nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, chính người cha sẽ dạy thói quen cho con cái mình. Nếu người cha đã trải qua nhiều kinh nghiệm và học hỏi để phát triển bản thân, thì sẽ không để con cái đi vào con đường phá hoại bản thân. Nếu đứa trẻ biết yêu thương chính mình, sẽ khó để nó hại người khác. Giáo dục gia đình, giáo dục trường học cùng với thực tế sẽ dạy con cái rằng mỗi bước đi của chúng là một trải nghiệm, có tốt, có xấu, có lỗi lầm và có thành công. Mỗi bước đi là một bước tiến trên con đường trưởng thành. Việc giáo dục một đứa trẻ không hề dễ nếu chúng ta không kiên trì. Chính chúng ta là những người lớn nhưng không thể hiểu biết mọi lĩnh vực. Cái chúng ta dạy là dạy về đạo đức. Đạo đức không khó để dạy. Dĩ nhiên, chính chúng ta là những người sống có thể bị ảnh hưởng bởi xã hội, nhưng khi nói đến đạo đức, ai cũng biết. Nếu bạn không biết đạo đức, thì tại sao bạn làm sai? Có phải bạn đã biết vấn đề đó là sai, thì bạn đã biết điều đúng là gì. Đạo đức là bài học đầu tiên để dạy con trưởng thành. Khi đứa trẻ lớn lên với nền tảng đạo đức vững chắc, việc đầu tiên nó làm là xem xét xem việc đó có đúng đạo đức không, có hại cho ai không. Đạo đức giữ cho con người, còn kỹ năng chỉ là một phần giúp mình đi nhanh hơn. Nếu bạn không dạy được đứa trẻ về đạo đức, thì khi trưởng thành, tài sản nó làm ra cũng sẽ biến mất. Chỉ khi nhận ra rằng chỉ có đạo đức mới giữ được tiền bạc, lúc đó nó mới thay đổi. Nếu nó hiểu rằng giá trị con người và giá trị cốt lõi nằm ở đạo đức, thì dù gặp thất bại, một ngày nào đó, nó cũng sẽ lấy lại tài sản đã mất.

Khi trẻ biết phát huy những điểm mạnh từ nhỏ, khi lớn lên, chúng sẽ đi nhanh hơn. Nếu là một đứa trẻ hư từ nhỏ, lớn lên, việc trở thành đứa trẻ hư gấp vài lần cũng là chuyện bình thường. Còn đứa trẻ có tính lành, thiện và hiểu về giá trị con người từ nhỏ sẽ phát huy giá trị đó gấp nhiều lần khi lớn lên. Khi nó là đứa trẻ hiểu giá trị, chắc chắn những người bạn của nó cũng giống vậy. Đứa trẻ thích chơi game sẽ tự tìm đến môi trường của những đứa trẻ khác cũng đang chơi game. Đứa trẻ thích đá gà sẽ tìm đến nơi có nhiều đứa trẻ khác thích đá gà. Còn đứa trẻ thích học hỏi, khám phá và không thích đá gà hay chơi game sẽ không tìm đến môi trường đó; nó cũng sẽ thấy chán khi ở chung với những đứa không thích học hỏi để phát triển bản thân.

Phương pháp nuôi dạy một đứa trẻ đi đúng hướng là rất quan trọng. Phương pháp đầu tiên là để trẻ thấy trước đã. Khi trẻ thấy, có thể nó không hành động ngay, nhưng những gì nó thấy sẽ hấp thụ vào não rất nhanh và chỉ chờ ngày đưa ra. Khi đứa trẻ thấy ba mình thích đọc sách, ba không đưa nó đến những quán nhậu tiệc tùng, thì việc không thấy sẽ khiến não nó không biết để bắt chước. Ngôn ngữ cũng vậy. Tại sao một đứa trẻ sinh ra ở miền Bắc, sau khi được đưa vào miền Nam, sẽ nói tiếng Nam? Hoặc nếu đưa nó đi nước ngoài, một quốc gia nói tiếng Hán, nó sẽ nói giọng như người Hán, hay đến Ai Cập, nó cũng sẽ nói tiếng Ai Cập và giọng nói giống người bản xứ. Bởi vì đó là cách não hoạt động.

Có một câu chuyện về một cặp người mẫu diễn viên nổi tiếng. Họ đến với nhau, sau đó thích đi đến nhiều quốc gia để con nuôi. Họ mang những đứa trẻ về Mỹ để sống cùng. Tất cả những đứa trẻ đó, từ khi tách rời khỏi cha mẹ ruột, sống chung với cặp người mẫu. Đến khi lớn lên, chúng không còn biết cha mẹ ruột là ai và cũng không có ý định về gặp lại. Chúng sống cùng nhau và coi nhau như anh chị em ruột, giọng nói của nó không còn giọng mẹ đẻ nữa. Chính vì vậy, một đứa trẻ được dạy dỗ điều gì, sau này sẽ trở thành điều đó. Một đứa trẻ, dù không phải là con ruột, nhưng được nuôi dưỡng và yêu thương bởi một người khác, sẽ dần coi người đó như cha mẹ thực sự. Khi lớn lên, trẻ có thể không còn quan tâm đến cha mẹ ruột, vì trong môi trường sống với người mẹ nuôi, chúng cảm nhận được sự an toàn và tình yêu thương được xây dựng từ những ngày đầu đời. Não bộ của trẻ đã quen với sự chăm sóc và gắn bó ấy, trở thành phần quan trọng trong cuộc sống của chúng.

Giá trị của con người trong xã hội rất quan trọng. Khi một đứa trẻ sinh ra, nó là một phần của xã hội. Không có đứa trẻ nào hư, cũng không có đứa con nào bất hiếu. Nếu nó bất hiếu hay làm điều gì trái với gia đình, đó là do người cha đã dạy cho nó từ khi mới chào đời. Họ đã hấp thụ cho nó những điều tiêu cực. Một con người có thể phá hủy cả một đất nước, một người có thể làm nên một đất nước. Albert Einstein, với lý thuyết tương đối, đã thay đổi cách chúng ta hiểu về không gian, thời gian và vật lý. Nelson Mandela đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và trở thành tổng thống đầu tiên của đất nước này sau khi chế độ này sụp đổ.

Mỗi cá nhân này không chỉ thay đổi cuộc sống của nhiều người mà còn để lại di sản lâu dài cho các thế hệ sau. Con cái không chỉ là tài sản của riêng cha mẹ mà còn là tài sản của nhân loại. Nhiều người không để ý hoặc không nghĩ rằng con họ là tài sản của vũ trụ này. Họ thích kiếm thật nhiều tiền, nhiều tài sản để cho con có cuộc sống tốt đẹp, nhưng họ chỉ vùi đầu vào học để sau này kiếm nhiều tiền. Đứa trẻ có thể làm được nhiều điều hơn nữa chứ không chỉ riêng về việc kiếm tiền. Trách nhiệm của người làm cha, mẹ là phải dạy dỗ và ảnh hưởng tích cực đến đứa trẻ để nó trở nên tốt hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *