Bạn có bao giờ hình dung cuộc sống như một chiến trường, trong đó mỗi vùng đất đều có chủ sở hữu riêng của một nhóm người, và mỗi người là một chiến binh? Hệ thống phân cấp từ xưa là Vua, giờ là Tổng thống, rồi đến quan chức từ trung ương đến địa phương và cả lính nữa. Chúng ta là dân thường, là những người không có quyền lực.
Hàng ngày, cho dù ở vị trí nào, từ dân thường đến vua hay quan chức, chúng ta đều phải đấu tranh, chiến đấu như những chiến binh. Có thể nơi bạn ở chưa có chiến tranh, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, bạn phải đấu tranh với những người xung quanh. Cuộc đấu tranh này vô hình, khó nhận ra, bởi khi chiến tranh diễn ra bằng súng đạn hay vũ khí thì dễ nhận biết. Nhưng đấu tranh bằng ngôn từ, cảm xúc, lý trí giữa người với người cũng không khác gì. Trong một cuộc chiến có vũ khí, bạn sẽ thấy máu đổ, nhưng từ khi xã hội phát triển, người ta không dùng vũ khí sát thương bằng kim loại nữa, mà thay vào đó là lời nói, trí tuệ cảm xúc và trí tuệ logic kết hợp với luật pháp, tạo ra một vũ khí có thể thay đổi cả một thế hệ, ảnh hưởng nặng nề hơn cả vũ khí sát thương.
Chúng ta là những chiến binh; dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải chiến đấu. Một sống một còn, ảnh hưởng ngay lập tức và kéo dài về sau. Vì vậy, chúng ta luôn đeo trên mình những vũ khí như giao tiếp xã hội, sức mạnh cơ bắp, trình độ học vấn, hiểu biết về những kỹ năng mềm, liên tục cải tiến bộ não và luyện tập sức khỏe.
Tôi có một câu chuyện muốn chia sẽ. Một hôm trên đường tôi gặp đối tác kinh doanh. Khi đứng đợi đèn đỏ ngay ngã tư Nguyễn Thái Bình, cạnh Coopmart cũ nay là Vinmart, tôi gặp một chị tầm 45 tuổi. Chị mặc chiếc váy màu xanh lá cây kết hợp với màu đen, gương mặt ốm và nước da hơi ngăm, có lẽ chị gấp nên không mang theo giỏ xách, chỉ cầm một chiếc điện thoại. Khi đèn giao thông chuyển sang đỏ, tôi dừng lại chờ đèn xanh. Chị đứng bên cạnh và hỏi: “Em cho chị quá giang tới Phạm Văn Hai được không?” Tôi trả lời: “Được chứ, có gì đâu. Chị lên đi.” Tôi còn nói vui: “Chị không mang mũ bảo hiểm, Công an bắt chị chịu trách nhiệm đó.” Chị ừ liền. Tôi nói: “Nói vui chứ giờ này Công an họ nghỉ trưa rồi.”
Trên đường, chị hỏi tôi đi đâu. Tôi giới thiệu: “Em đang giao hàng cho khách.” Chị hỏi: “Ủa, em chỉ bán một loại hàng này thôi sao?” Tôi trả lời: “Em bán nhiều loại nữa.” Chị hỏi thêm: “Em biết ở đâu làm quần áo không?” Tôi phải hỏi lại để biết chị làm gì mới có thể cho lời khuyên. Tôi hỏi: “Ủa, chị bán quần áo hay sao mà hỏi vậy?” Chị trả lời: “Không, công việc của chị là kết nối quốc tế.” Ồ, tôi thấy có đề tài để nói tiếp, bắt đầu nói về bản thân. “Lúc trước, em qua Philippines mở văn phòng để bán hàng. Bây giờ em về Việt Nam tìm kiếm đối tác hợp tác.” Ngay lúc đó, chị xin số điện thoại của tôi và nói: “Em giỏi và hay nữa.” Sau khi tôi chở chị đến số 3 Phạm Văn Hai, chị xuống xe và hỏi tôi hôm nay thứ mấy. Tôi nói là thứ Năm, chị dặn tôi thứ 6 Chị có cuộc hội thảo bên Phạm Văn Đồng và muốn mời tôi qua xem. Tôi đồng ý ngay.
Bạn phải luôn sẵn sàng như ra trận. Thời khắc gặp người khác trong hành trình có thể chỉ là vài phút, vài giây. Nếu bạn không đủ khả năng nói chuyện, thì làm sao có thể giới thiệu cho người ta hiểu về bạn? Mọi người ai cũng vội, họ không có thời gian để nghe hay chờ đợi. Cảm xúc của họ là khi họ đang nói chuyện với bạn. Nếu bạn có đủ “đạn” trong người, giống như chiến binh ra chiến trường thì cơ hội sẽ đến. Bạn xem những bộ phim về những chiến binh thời La Mã, họ luôn mang áo giáp trên mình và cầm gươm bên tay. Họ nói chuyện mà chỉ một sơ hở là có thể mất mạng. Trong cuộc sống hiện nay cũng vậy, cơ hội rất mỏng manh. Thực tế không như trong trường lớp, nơi bạn có thời gian để học đi học lại. Bạn đánh mất cơ hội là mãi mãi mất cơ hội. Cơ hội đi qua là qua luôn. Việc bạn luôn sẵn sàng để chiến đấu trong thời bình này là có thật.
Chiến binh ngoài chiến trường, khi ngủ cũng phải mặc áo giáp và cầm gươm bên cạnh. Các chiến sĩ trong quân đội cũng vậy, họ luôn sẵn sàng ngay cả khi ngủ. Bạn đừng đến gần khi họ đang ngủ, vì lúc đó họ đang trong trạng thái sẵn sàng. Cuộc sống hiện tại không khác gì chiến trường; nếu bạn không sẵn sàng, bạn sẽ mất tương lai, mất tiền, mất thời gian… Đó là lý do tại sao bạn làm hoài mà vẫn không giàu. Tôi thấy có nhiều người không chịu làm, chỉ thích ngồi chơi. Khi cơ hội đến mà không có tiền để đầu tư, thậm chí không có tiền mời bạn bè đối tác uống nước, thì làm gì có chuyện đầu tư. Khi cơ hội đến mà túi không có “đạn”, bạn sẽ bị người khác tiêu diệt. Sẽ có rất nhiều cơ hội chờ đợi bạn, nhưng nếu bạn không có kiến thức về giao tiếp, kiến thức xã hội hay kỹ năng, thì cơ hội đó sẽ dành cho người khác. Đó là lý do tại sao có người giàu và người nghèo. Người nghèo không có việc làm, còn người giàu làm việc không hết, bởi vì họ có nhiều tài năng. Khi gặp cơ hội ngoài đời, họ nhanh chóng nắm bắt vì có tài năng bên trong. Tài năng bên trong khác với tài năng bên ngoài ở chỗ bạn có tài năng bên ngoài như mặc đồ đẹp, biết chọn hàng hiệu, nhưng khi gặp người khác lại không biết nói gì thì cơ hội cũng mất. Còn khi bạn có tài năng bên trong, bạn luôn có vũ khí mang theo bên mình. Khi gặp chuyện, bạn có đủ “đạn” để giới thiệu những gì bạn làm được, thì đối tác sẽ thích làm bạn với bạn hơn.
Có người thích làm dân thường, có người thích làm chiến binh. Dân thường được định nghĩa là chỉ làm đủ ăn, có thì ăn, không thì nhịn thèm. Ai làm gì cũng được, thích ảnh hưởng hay bắt mình làm cho họ, mình cũng đồng ý. Mình không có tài sản trong tay, không có tài năng bên trong. Còn nếu bạn muốn là chiến binh, hãy học cách bảo vệ bản thân, học tài năng, cập nhật kiến thức, học hỏi từ thất bại, và hành động liên tục. Luôn làm sạch vũ khí và biết cách tích trữ tiền như tích trữ đạn. Nếu bạn muốn giàu, bạn phải trở thành chiến binh. Hãy luyện tập để có đủ kiến thức và trở thành chiến binh thực thụ.