Di truyền – Thói quen

Khi tôi lớn lên, thường nghe người ta nói rằng: “Thằng đó giỏi là do di truyền”, “Nó bị bệnh là do di truyền”, và “Đẹp hay xấu, làm tốt hay xấu cũng do di truyền”. Vậy di truyền là gì? Di truyền ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta, và nó có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của những đứa trẻ trai và trẻ gái? Nếu đứa trẻ trai hay trẻ gái thật sự bị ảnh hưởng bởi di truyền, thì chúng phải làm gì? Chúng ta không phải nhà khoa học cũng không phải thượng đế để biết khi nào di truyền ảnh hưởng đến thân thể cũng như trí não, cũng không biết được chính xác di truyền ở chỗ nào và ai truyền cho mình.

Di truyền được hiểu theo nghĩa bạn không đẹp là do cha mẹ không đẹp. Bạn bị vấn đề sức khỏe như tim mạch không tốt cũng là do cha mẹ hoặc di truyền từ ông bà. Người ta thường phán xét rằng nguyên nhân khiến mình gặp vấn đề tích cực hay tiêu cực cũng là do những thế hệ trước để lại. Thật sự không ai biết mình bị di truyền cái gì từ đời trước để lại, không có một công cụ máy móc nào có thể kiểm tra hết tất cả các bệnh tật do di truyền để lại. Vậy thì mình nên làm gì để không bị ảnh hưởng bởi di truyền?

Tôi có một người bạn người Philippines, anh mang cả gia đình sang Việt Nam để thành lập hội thánh Tin Lành. Anh có hai người con trai và hai cô con gái. Đứa con trai đầu của anh, Roi, 16 tuổi, rất hiền lành và vui vẻ. Roi theo chân cha mẹ để đi đến nhà thờ phục vụ việc thờ phượng, học giáo lý, và tương lai em sẽ trở thành mục sư như cha của anh. Khi gia đình Roi đến Việt Nam đã được 5 năm. Lúc anh mới qua Việt Nam, Roi chỉ có 11 tuổi. Cái tuổi của một chàng trai đang phát triển toàn diện; ngày xưa, ở tuổi này, người ta đã trở thành tướng lĩnh rồi. Roi hàng ngày chỉ quan tâm đến việc học Kinh Thánh, làm công việc thờ phượng Chúa, và gặp gỡ các thành viên, vì đây là công việc của một người phục vụ Chúa.

Không biết sao, một ngày Roi ăn gì cũng ói và thường xuyên bị đau đầu. Roi được đưa đi khám bác sĩ, và bác sĩ phát hiện có một khối u trong não. Nhưng ba Roi không tin vào điều đó, còn nói bác sĩ Việt Nam không đúng. Roi về nhà và cũng uống thuốc theo toa bác sĩ kê. Sau một tuần, Roi bắt đầu trở nặng. Ba Roi không tin vào mắt mình, đứa con đã trưởng thành và khỏe mạnh không thể nào lại như vậy, và ông tin rằng Thượng đế sẽ không bao giờ để con mình rơi vào hoàn cảnh như thế. Ông tìm mọi cách để gạt đi ý nghĩ đó. Nhưng bệnh tình của Roi ngày càng xấu đi; sau hai tuần, Roi phải uống thuốc để không bị ói mỗi khi ăn xong. Roi nhập viện và được điều trị nội trú, phải ở lại bệnh viện để theo dõi và điều trị. Nhưng ở Việt Nam, bác sĩ khuyên nên đưa Roi về nhà vì bệnh của Roi không chữa được. Lần thứ hai, ba Roi gục ngã. Ông buộc phải đưa Roi về và thuê một khách sạn để ở tạm, chờ ngày chuyển Roi về lại Philippines, vì ông tin bác sĩ Philippines giỏi hơn bác sĩ Việt Nam.

Cả gia đình ba mẹ Roi cùng ba đứa em rời Việt Nam và quay lại Philippines để nhập viện. Roi được đưa thẳng đến bệnh viện và được bác sĩ Philippines chăm sóc, tiền viện phí của Roi nhờ sự đóng góp của nhà thờ. Lúc tôi qua Philippines để thăm Roi, tôi có đến bệnh viện để thăm cậu. Tôi được nghe ba Roi kể rằng Roi bị ung thư vì có khối u trong não. Ông nói rằng cậu bị như vậy là do di truyền. Roi cũng có một người cậu bị giống vậy và cũng mất lúc 16 tuổi. Giờ Roi bị di truyền nên mới gặp tình trạng như hôm nay. Sau ngày tôi gặp Roi, một năm sau, cậu mất trong bệnh viện. Đó là di truyền theo cách các nhà khoa học nói. Còn một kiểu di truyền nữa mà tôi biết là do thói quen của gia đình và cha mẹ.

Khi tôi lớn lên ở vùng quê, nơi tôi sống có thể ăn những món hải sản vì nhà tôi cách biển khoảng 12 km. Hàng ngày tôi được ăn cá biển, các loại mắm làm từ cá, trong đó có cá cơm. Cá cơm được người ta đánh bắt vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Mỗi lần có mùa cá đến, bà con chở xe phía sau đựng hai giỏ bằng mây, mỗi giỏ khoảng hai chục ký cá. Mẹ tôi thường mua về muối, một lớp cá, một lớp muối, thường muối khoảng 2 đến 3 tháng là có thể ăn được, còn muối khoảng 6 tháng đến 1 năm là để làm mắm. Mỗi lần muốn ăn cá cơm, tôi đã làm một chén gừng tươi cùng với ít đường và ớt. Cá cơm múc ra cho vào chén thành mắm cá gừng. Mỗi lần, tôi có thể ăn vài chén cơm trắng với món cá gừng, ngon hết sức. Không chỉ tôi mà ba mẹ tôi, anh chị, bà con và cả quê tôi ai cũng thích món đó.

Vì tôi sống ở vùng biển, nên muối là gia vị tôi thường ăn hàng ngày. Món gì cũng ăn với muối, trái cây chấm muối, nấu ăn lúc nào cũng có muối, đặc biệt món cá kho thì cho muối rất nhiều. Sau này tôi mới nhận ra rằng ăn nhiều muối không tốt cho sức khỏe. Thật sự, khi tôi sinh ra, không phải tôi thích ăn mà do từ thời trước ông bà tôi cũng ăn và nấu những món ăn giống vậy. Tôi được ăn và lớn lên thành thói quen, thích ăn những món ăn đó. Có người Việt Nam qua Mỹ định cư vẫn hàng năm ở quê nhà gởi cá cơm muối và nước mắm cho họ ăn. Nước mắm là món mà trên bàn ăn người Việt, cho dù họ có đi đâu xa, cũng tìm cách mua cho được một chai để trong nhà.

Sở thích món ăn của một người thường bị ảnh hưởng từ nhỏ. Có thể họ không để ý, nhưng khi ra nước ngoài nơi không có những món ăn quê nhà, chúng ta mới thấy nhớ, đó là hương vị quê nhà. Bởi vậy, chúng ta lớn lên bị ảnh hưởng từ truyền thống gia đình là rất lớn. Nếu ông bà, cha mẹ mình thích ăn mặn, mình cũng dễ bị ảnh hưởng và thích ăn mặn. Ngày tôi vào miền Nam sinh sống, đi ngoài đường tôi thấy họ bán bánh tráng nhưng lại dày và đen. Khi tôi mua thì mới biết đó là bánh mỡ. Ở miền Nam, Sài Gòn, họ thích ăn bánh mỡ, một loại bánh mà sau khi người ta rán mỡ heo, cái xác còn lại được ép thành bánh mỡ. Mấy anh nhậu thích món này, bẻ ra cắn một miếng rồi uống một ly bia. Nhiều người thích mua về để dành rồi bỏ vào hủ tiếu. Các quán ăn bày bán ngoài đường và trong tiệm cũng cho vài miếng tóp mỡ cho thơm, nhiều người còn bực mình khi vào quán ăn mà bị hết tóp mỡ. Với tôi, món này xa lạ, nhưng người miền Nam Sài Gòn thì coi đây là món không thể thiếu.

Ngày nay, tôi ra đường thấy quá nhiều quán nhậu mọc lên. Thanh niên nào cũng thích nhậu, cứ sau 5 giờ làm việc là thanh niên, thanh nữ kéo nhau vào quán nhậu. Ở các làng quê, trong tiệc đám cưới, đám hỏi hay giỗ chạp, họ đều uống bia. Cha uống, ông uống, rồi các anh trai trẻ cũng đua đòi học theo, học cách uống để sau này “giết” hết bạn bè, uống mà không chết gục trên bàn thì được coi là thắng, là anh hùng. Họ được dạy bởi văn hóa; cha mẹ chỉ dạy họ theo cách nào thì tương lai họ sẽ phát triển theo hướng đó, điều này ảnh hưởng đến tương lai của người trai trẻ. Đây cũng là di truyền theo cách tôi hiểu.

Đôi lúc, cha mẹ không thành công không có nghĩa là họ không có gì để dạy con cái. Có thể cả cuộc đời họ không có nhiều tiền, nhưng họ đã tích lũy rất nhiều giá trị để dạy con cái họ. Còn những cha mẹ không có gì để dạy con cái thì khi con họ lớn lên sẽ không có nền tảng để phát triển theo hướng tạo ra giá trị lớn lao. Di truyền còn có thêm một cách nghĩ khác; thực chất là thói quen mà họ học từ lúc ở chung với cha mẹ. Người trai trẻ thấy mỗi ngày, có thể họ không thực hành làm theo, nhưng khi lớn lên, họ bắt đầu thực hành từ nhỏ những hành động mà họ thấy, nó đi vào mắt, tai và cảm nhận, để đứa con hình thành thói quen ăn vào trí não mà không biết.

Nếu người cha hay người mẹ không ăn cá biển, thì đứa con cũng có thói quen không thích cá biển, vì thói quen thường liên quan đến vấn đề đó có lặp đi lặp lại để cho suy nghĩ quen. Cha mẹ thích đọc sách, đọc thường xuyên thì con cái cũng sẽ quen khi nhìn thấy, lớn lên sẽ có ý thức về việc đọc sách. Con cái thấy cha mẹ làm nghề gì thì lớn lên cũng sẽ làm nghề gần giống, vì não đã quen với việc đó, dẫn đến thành công hơn những đứa trẻ từ nhỏ không có thói quen như vậy. Khi não chúng ta quen rồi, thì hành động dẫn chúng ta đi theo cái dễ làm nhất.

Hãy tập để cho con cái thấy, nghe những điều tích cực. Cha mẹ thường xuyên đọc sách, thường xuyên làm việc tạo giá trị thì con cái cũng dễ học theo. Cha mẹ chịu khó tập thể dục rèn luyện sức khỏe, con cái cũng dễ học và làm theo. Đôi khi, cha mẹ không chỉ bảo, nhưng hành động của họ sẽ làm con cái thấy và tự động gắn vào ý thức của não. Khi nó hành động, nó sẽ dễ đi theo cái mà nó nhìn thấy và nghe thấy.

Tại sao những đứa trẻ châu Á thích ăn cơm, gạo, thậm chí có đứa từ nhỏ thường xuyên ăn thịt và rất ghét rau, nhưng khi lớn lên lại thích ăn rau? Khi còn nhỏ, đứa trẻ rất ghét ăn rau, nhưng khi lớn lên lại thích ăn rau vì nó thường xuyên thấy ba mẹ ăn rau. Có nhiều lúc nó bị la vì không ăn rau, nhưng lớn lên nó lại thích rau. Hồi nhỏ, tôi rất ghét ăn những loại nếp xay thành bột để gói bánh như bánh gói, bánh nậm, bánh chưng, nhưng khi lớn lên, tôi rất thích. Khi xa quê vào Sài Gòn, tôi cũng tìm cách mua để ăn và nhớ rất rõ hương vị hồi nhỏ tôi từng ăn.

Cha mẹ không thành công (không đủ số tiền như mong muốn) nhưng khi họ dạy cho con cách tạo ra tiền thì con cái có khả năng làm ra nhanh hơn cha mẹ hồi xưa. Khi ra xã hội, mọi người biết cha mẹ nghèo, nhưng có thể khi trưởng thành, người con đó lại trở nên giàu có. Sự giàu có đó là một phần rất lớn nhờ cha mẹ dạy từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, họ đã có được kiến thức cơ bản từ xưa.

Di truyền dễ thấy và dễ làm nhất, và ai cũng có thể tự làm cho mình, đó là di truyền thói quen. Khi nhận thức được việc làm không nên và từ bỏ, sau này sẽ không bị ảnh hưởng bởi di truyền thói quen. Con cái cũng sẽ học được nhiều bài học tích cực từ cha mẹ. Có rất nhiều người thích trưng rượu quý trong nhà, xem rượu như thước đo sự giàu có. Khi con cái lớn lên, ngày nào nó cũng thấy rượu, thì một ngày nào đó, cha nó đi xa, thế nào cũng sẽ lấy ra thử xem hương vị thế nào.

Hồi tôi đi học, cũng hay đến nhà bạn bè lúc ba mẹ họ đi vắng, và được bạn đãi rượu của ông bà nó. Dĩ nhiên, mỗi đứa học bài học uống rượu, uống ít để biết hương vị, nhưng sau này, những điều nhỏ này sẽ hình thành thói quen và dẫn đến thích uống rượu hơn. Hãy để di truyền tốt đẹp đến con cái mình; những căn bệnh ung thư sẽ không còn nữa và sức khỏe cũng sẽ tốt lên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *