Điều này có lẽ mới mẻ với nhiều người, vì nó trôi qua mà chúng ta không để ý. Hồi nhỏ, sống trong môi trường xã hội như ở Việt Nam hay các nước chậm phát triển, chúng ta được dạy rằng làm gì cũng phải đúng. Nếu đúng, sẽ được tán dương, chúc mừng; ai cũng vỗ tay. Còn nếu sai thì sẽ bị cười chê. Ở nhà, những người xung quanh cũng để ý từng hành động; nếu mình làm sai, họ sẽ cười nhạo, thậm chí lấy đó làm đề tài bàn tán trong các bữa ăn hoặc làm bài học để giáo dục con cái đừng làm như vậy để người khác cười. Họ có thể nói: “Mày làm không giống ai”, mặc dù mình làm đúng, nhưng thường không ai làm thì mình cũng không được làm theo.
Đi học cũng vậy. Khi giơ tay phát biểu, nếu đúng, mọi người sẽ im lặng; còn nếu sai, họ sẽ cười thối mặt. Thậm chí, thầy cô còn lấy đó làm trò hề để cả lớp cười. Hồi xưa, tôi hay hỏi nhiều câu hỏi vô cớ, như tại sao người ta gọi cái đó là cái bàn, tại sao gọi cái ghế là cái ghế, rồi tại sao tiếng Anh gọi cái bàn là “table”, cái ghế là “chair”. Tôi bị cô giáo cười và cả lớp chế diễu, mặc dù họ không hiểu câu hỏi của tôi. Họ chỉ như những con khỉ khi cô giáo nói tôi “hỏi lung tung, không đúng chủ đề” và cười tôi.
Có lần, trong thời điểm COVID, tôi dùng áo mưa tiện lợi trước khi đi nhận hàng, và bị cả nhà cười nhạo vì tôi làm quá lố. Thực ra, tôi không muốn mắc COVID nên mới nghĩ ra cách đó. Về nhà, chỉ cần tháo ngược lại và bỏ vào thùng rác là xong. Vậy mà mọi người thấy việc làm của tôi là ngớ ngẩn và mắc cười. Lúc đó, vợ tôi đang mang bầu, chúng tôi đi xe đến bệnh viện. Tôi nói vợ đừng cởi ra, hãy vào bệnh viện khám vì an toàn hơn là mặc quần áo trống trơn. Nhưng cô ấy không chịu, phải cởi bỏ cái áo mưa và dúi vào tay tôi, nói rằng mặc nó kỳ. Rồi cô ấy chạy thẳng vào phòng khám, còn tôi đứng ngoài trông vào vì không được vào cùng. Tôi lo lắng.
Có rất nhiều vấn đề như vậy trong cuộc sống. Chúng ta hay sợ sai, sợ làm khác người, và mỗi lần muốn hỏi gì cũng suy nghĩ rồi có khi cơ hội trôi qua lúc đó là thôi không hỏi nữa. Chúng ta bước đi trên con đường đời có rất nhiều thứ phải học hỏi. Những cái chúng ta không biết thì chỉ cần mở miệng ra hỏi.
Có câu “Hôm nay không làm, biết ngày mai có còn sống không”. Câu này tôi thường nói với nhân viên mỗi khi tôi muốn họ làm gì mà họ nói để ngày mai, vì tôi thấy không cần thiết để dành cho ngày mai. Ngay lúc đó chỉ cần một vài phút là có thể hoàn thành, rồi ngày mai có việc của ngày mai. Nhiều người cứ thích để việc của hôm nay cho ngày mai, còn tôi thì không thích vậy. Tôi thấy mỗi ngày chúng ta có cơ hội làm việc thì phải làm cho xong. Khi mở ra rồi, để thời gian trôi qua, sau đó phải tìm cách đóng lại. Có khi qua ngày hôm sau, công việc lại ập tới và lúc đó phải ước có tới 42 giờ trong một ngày.
Nhiều người rất lạ, thời gian thì một ngày có 24 giờ mà cứ muốn phải có 42 tiếng để làm cho thoải mái. Việc hành động ngay lúc đó và liên tục sẽ dẫn đến hiệu quả cao. Khi mình hành động liên tục, sẽ mở ra nhiều hướng đi. Những hành động nhỏ, khi được thực hiện liên tục, sẽ tạo nên hành động lớn. Thứ nhất, nó giảm bớt sai lầm; khi hành động, chúng ta sẽ thấy đúng hay sai. Nếu sai, thì hành động chỉnh sửa ngay, còn đúng thì ghi nhớ thành kinh nghiệm.
Khi mình hành động nhiều, sẽ tạo ra những dự án lớn và hoàn thành sớm. Hoặc không kịp tiến độ, chúng ta cũng biết được mức độ đến đâu. Cơ chế não bộ rất hay; khi mình muốn làm điều gì, chỉ cần chậm 3 đến 5 giây sẽ bỏ lỡ cơ hội mãi mãi. Hãy nhớ câu này: “Nếu hành động chậm hơn 3 đến 5 giây, sẽ bỏ lỡ cơ hội mãi mãi.” Tôi muốn nhắc lại nhiều lần để ghi nhớ điều này và có phương pháp luyện tập.
Phương pháp đầu tiên là mở mắt dậy bắt đầu một ngày mới. Trong não, đừng trì hoãn; hãy nhớ rằng một ngày chúng ta chỉ có 24 giờ, và từ lúc sinh ra đến khi chết đi, thời gian trôi qua rất nhanh. Khi để não trì hoãn, chúng ta sẽ quên đi những công việc phía trước. Thay vì làm 10 việc, chỉ có thể hoàn thành 7 hoặc 8 việc; còn 2 việc còn lại sẽ để qua ngày hôm sau vì thời gian đã trôi qua mất rồi.
Sau khi thức dậy, nếu não chúng ta muốn làm gì thì làm ngay. Đứng dậy, đừng nằm lỳ, vì khi nằm thêm sẽ mất thêm vài phút. Khi ra khỏi nhà, nếu gặp hàng xóm, hãy chào hỏi liền. Nhiều người cứ chờ đợi người khác, chờ xem người đó có chào mình không. Nếu họ chào, thì mình chào lại; còn không thì thôi. Đây là tư duy nghèo. Mình phải chủ động trước, đừng để người khác chủ động. Chắc chắn nếu họ giàu hơn, học cao hơn, họ sẽ chào mình trước. Nên mình phải học phương pháp chào hỏi đầu tiên, vì đây là hành động. Nếu bỏ lỡ 3 đến 5 giây thì sẽ mất cơ hội chào, vì họ chỉ cần thấy ánh mắt rồi sau 3 đến 5 giây là họ bước đi lối khác ngay lập tức.
Mỗi khi trên đường từ nhà đến sở làm hoặc đến trường, hãy chú ý đến cảnh vật xung quanh. Có một lần, tôi mang hàng đến đối tác để giao. Những lần trước, tôi thường bỏ qua và tự nhủ lần sau sẽ ghé lại, nhưng mãi đến vài tháng sau tôi cũng không ghé lại. Tôi đã bỏ lỡ một cơ hội, vì khi quay lại họ đã dọn đi chỗ khác. Nếu lúc đó tôi quay lại, sẽ có số liên lạc, khi cần tôi sẽ có cơ hội để tới. Tôi đã học được phương pháp không bỏ lỡ điều gì và không để hành động muốn làm trượt qua 3 đến 5 giây. Lần sau, tôi quay đầu xe ngay lập tức, vào thẳng cửa hàng nói chuyện và xin số liên lạc. Sau này, cho dù tôi có cần hay không, chỉ cần biết trong điện thoại mình có số đó.
Tôi có một người bạn Ấn Độ. Mỗi năm, đại sứ quán Ấn Độ tổ chức một buổi giao lưu tập hợp tất cả người Ấn tại một nhà hàng để có cơ hội gặp gỡ. Trong buổi tối đó, có một người là tổng lãnh sự quán Ấn Độ và một người là tổng lãnh sự quán Malaysia. Hai người đó ngồi ở bàn đẹp nhất gần khán đài. Người bạn của tôi ngay khi thấy đã đến chào hỏi và giới thiệu bản thân với hai tổng lãnh sự. Anh được tổng lãnh sự quán Malaysia đưa danh thiếp. Sau đó, anh về bàn ngay lập tức cầm tấm card visit và nhắn tin trong WhatsApp. Tôi thấy hành động của anh rất hay. Tôi hỏi giờ em muốn qua đó nói chuyện thì nên nói gì và có nên qua không? Anh người Ấn đó – giờ cũng là người thầy của tôi – bảo: “Em cứ qua đi và chỉ nói là rất vui được gặp họ trong sự kiện này.” Rồi bắt tay với họ, chỉ vậy thôi. Lần đầu tiên tôi làm như vậy. Khi đến bàn, tôi nói chuyện và bắt tay với họ. Họ cũng rất vui vì được biết tôi.
Sau ngày hôm đó, tôi được người thầy Bala chở ngồi phía sau xe. Anh giải thích rằng chỉ cần 3 đến 5 giây không hành động, là mãi mãi không làm lại được. Từ đó, tôi rút ra bài học cho bản thân mình: không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào mà tôi thấy.
Phương pháp hành động: Mình làm gì khi thấy, việc đầu tiên là tiến tới và chào hỏi, nói chuyện gì cũng được. Thích nói gì thì nói, rồi sau một hai câu chuyện, nếu thấy hợp thì nói tiếp, không hợp thì bước đi. Ai có cười vì mình hành động cũng kệ họ. Mình làm vì mình muốn biết thông tin, muốn học hỏi, muốn biết điều gì thì cứ hành động. Không cần chuẩn bị trước câu gì. Nếu là người lạ, thấy họ và điều gì đập vào mắt mà mình chưa hiểu thì cứ hỏi, vì những câu hỏi sẽ mở ra nhiều vấn đề để bàn luận. Họ cũng muốn người khác biết về mình, họ muốn chúng ta làm bạn, nhưng đâu phải ai cũng biết phương pháp 3 đến 5 giây đâu. Trong lòng bị ảnh hưởng quá lâu bởi môi trường xã hội và gia đình, cũng làm tất cả chúng ta bị phản ứng lo lắng bị từ chối, cản trở lớn trong giao tiếp. Phải làm liền, nhớ nhé.
Hiệu quả và hậu quả của việc 3 đến 5 giây là gì? Nếu mình chớp lấy cơ hội, hiệu quả đầu tiên là chúng ta có cơ hội để hành động. Sau hành động đó, nó sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Khi có nhiều cơ hội hơn, mình sẽ phát triển bản thân và có cơ hội cọ xát thực tế. Còn hậu quả của việc không sử dụng phương pháp 3 đến 5 giây là mình sẽ chờ cơ hội tương tự đến, còn nếu đúng như cơ hội đó thì đã mất mãi mãi. Chỉ có cách chờ đợi cơ hội tương tự đến, nếu không đến thì cũng chịu thôi chứ làm gì bây giờ. Nên việc chúng ta phải luyện tập.
Luyện tập mỗi ngày là phương pháp đơn giản nhất. Mình làm với bất cứ ai mình thấy. Không sao cả nếu họ từ chối; chỉ cần lách qua một bên và tiếp tục bước tới, có cơ hội mới đang chờ phía trước. Nhiều cơ hội hơn nếu mình không đánh mất nhiều cơ hội trong 3 đến 5 giây. Dĩ nhiên, sau khi luyện tập sẽ ghi nhận hiệu quả, rồi luyện tập thường xuyên. Nếu thấy việc đặt câu hỏi hay hành động đúng, hãy ghi vào trí não, sau đó lấy kinh nghiệm để thực hành. Còn nếu sai, thì cũng tìm hiểu sai vì sao. Có khi mình hỏi người ta những câu hỏi tào lao, việc họ không trả lời mình cũng là chuyện bình thường, và đừng ngần ngại.
Có một câu chuyện như thế này: Một hôm, khi đi máy bay, có anh thầy dạy bơi ngồi gần một doanh nhân rất giàu có, cả nước ai cũng biết. Anh hỏi người ta: “Làm sao để tôi giàu như ông?” Doanh nhân đó quay lại nhìn về phía anh và hỏi: “Cậu làm nghề gì?” Anh thầy dạy bơi trả lời: “Em là giáo viên dạy bơi.” Doanh nhân đó nói: “Chúc công việc của anh thành công.” Rồi ông bước đi. Đôi lúc, những điều chúng ta làm không theo ý muốn. Dĩ nhiên, anh thầy dạy bơi cũng muốn hỏi làm sao để có động lực làm việc và tạo ra của cải như ông, nhưng anh chỉ hỏi làm sao để giàu như ông. Dĩ nhiên, để trả lời câu hỏi này cần rất nhiều thời gian, và khi gặp nhau qua đường không có thời gian để trả lời thì thôi, cũng không sao.