Tìm người thành công để học

Ngày xưa, trong làng, nếu có người giỏi về lĩnh vực nào thì sẽ có người đến xin nhận làm đệ tử. Họ phải phục vụ việc nhà cho thầy giáo trong một năm và trả một khoản tiền. Sau đó, họ mới được thầy chỉ dạy nghề. Thầy chỉ dạy nghề cho những người mà thầy yêu quý, sẽ chỉ cho họ những tuyệt chiêu, hoặc tuyệt chiêu đó có thể tự mày mò ra. Khó để thầy truyền đạt hết nghề. Nên để học được cái nghề không phải dễ. Phần lớn nhờ kiên trì mới có thể học được. Ai mà học được rồi thì có thể về mở tiệm, có khách hàng và có công ăn việc làm để nuôi sống gia đình.

Ngày xưa, thường thầy cầm tay chỉ việc, học lý thuyết rất ít; lý thuyết và thực tế học cùng một lúc. Thầy sẽ chỉ cho trò làm và bắt chước làm theo. Nếu thầy thương, thầy sẽ chỉ cho kinh nghiệm làm; còn nếu không thương thì học sẽ lâu hơn một chút, mà phần lớn thầy thường thích đánh đố học trò. Mục đích là để kiểm tra sự kiên nhẫn của học trò. Nếu ai chịu khó kiên nhẫn, thầy sẽ tạo điều kiện tốt hơn. Thầy dạy không chỉ truyền nghề mà còn dạy về giá trị đạo đức và nhân cách. Học trò nếu ai lười nhác, thầy cũng chỉ nhưng không quan tâm quá nhiều hoặc có thể từ chối dạy. Đây là cách dạy trước khi có trường lớp và công nghiệp, đóng tiền vào để học.

Còn bây giờ, có trường lớp, ai thích học gì thì đóng tiền vào thầy dạy, nhưng chủ yếu chỉ dạy lý thuyết; còn thực tế thì thầy không quan tâm, học xong làm được hay không thầy cũng không để ý. Nên việc học ít hiệu quả hơn. Nhiều người bỏ ra 4 năm học đại học nhưng sau đó lại làm nghề khác, thầy thì đã lấy tiền rồi, mà trò học xong nhưng làm không được.

Từ nhỏ đến lớn, chúng ta vào trường học để học lý thuyết và thực hành. Nhưng sau khi học xong lý thuyết và thực hành, chúng ta mới ra ngoài đời học thực tế. Vì thời gian học quá lâu, đến khi ra trường không áp dụng được bao nhiêu vào thực tế. Kiến thức mà mình học có thể đã lỗi thời, nên khi xin việc phải vừa làm vừa học tiếp.

Việc học trên trường lớp sau khi đi làm sẽ khiến nhiều người thiếu kiến thức xã hội, không được dạy giá trị đạo đức và nhân cách. Kiến thức xã hội là kiến thức bao gồm các khái niệm văn hóa, giá trị, quy tắc ứng xử, đạo làm người và tâm tính. Nó thường vô hình và trừu tượng, nên không dễ dàng định lượng hay mô tả một cách cụ thể.

Khác biệt văn hóa: Mỗi xã hội có những quy tắc và chuẩn mực riêng, dẫn đến việc khó khăn trong việc áp dụng kiến thức này ở một nơi khác nếu không được chỉ dạy. Kiến thức xã hội bao gồm kinh nghiệm cá nhân; thường được hình thành từ trải nghiệm cá nhân, do đó mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau. Để có được kinh nghiệm thì phải thực hành bằng phương pháp tương tác xã hội. Kiến thức này thường cần được học qua tương tác thực tế với người khác, đi nhiều, gặp gỡ nhiều người, trao đổi qua lại bằng nhiều phương pháp như nói chuyện, làm việc chung, tham gia vào các nhóm, câu lạc bộ hoặc tổ chức xã hội để thực hành kỹ năng giao tiếp và tương tác. Đọc tài liệu qua sách, báo và tài liệu về các khía cạnh của xã hội như tâm lý học, xã hội học; tham gia vào các cuộc thảo luận, diễn đàn hoặc hội thảo để trao đổi ý kiến và học hỏi từ những người khác. Dành thời gian để suy nghĩ về các trải nghiệm xã hội của bản thân và cách bạn có thể cải thiện kỹ năng xã hội của mình. Quan sát hành vi của người khác trong các tình huống xã hội và rút ra bài học từ những trải nghiệm đó, không chỉ qua sách vở. Bằng cách kết hợp các phương pháp trên, bạn có thể dần dần nắm bắt và hiểu rõ hơn về kiến thức xã hội.

Ngày trước, tôi học chuyên ngành công nghệ thông tin. Dựa trên nền tảng kiến thức đã học, tôi xin việc làm. Sau 2 năm, tôi bắt đầu tìm lối đi riêng cho mình. Phương pháp của tôi là bắt chước những gì sếp tôi đã làm. Tôi thiết lập một hệ thống quản lý nhân sự, hệ thống văn bản, tất cả quy trình và cả chính sách cho công ty. Tôi bắt đầu tự tìm hiểu và đi tìm khách hàng. Cách tôi đi tìm khách hàng đơn giản nhất là đăng lên các trang diễn đàn; nơi nào có cộng đồng thì có thông tin của tôi trên đó. Còn ngoài thực tế, tôi đi đến tất cả các cửa hàng để giới thiệu sản phẩm cho họ. Lúc đó, tôi không biết kiến thức xã hội nên lao đầu ra để chào mời. Có những nơi họ tiếp đón, có những nơi họ từ chối. Không quan trọng, vì tôi nghĩ nếu mình đi làm công 1 tháng lãnh được 3 triệu vào năm 2010, thì nếu 1 tháng tôi tìm được một dự án thôi cũng đủ tiền lương. Việc ngồi 8 tiếng ở công ty là một cách tra tấn với tôi lúc đó. Bạn đến công ty đâu phải cắm điện vào là chạy như cái máy; có những ngày tôi chỉ ngồi mà không làm gì, chờ hết giờ thì về, có khi 3, 4 ngày liên tục. Từ đó, tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm tự do. Tôi tìm kiếm những người bạn chung ý tưởng để làm chung. Bạn tôi mở công ty, tôi làm với bạn; chúng tôi làm được khoảng 6 tháng thì dự án ngừng lại, bởi vì không đủ tiền thuê nhà và cũng không tìm được khách hàng. Sau đó, tôi tiếp tục bắt chước bạn tôi và thành lập công ty, việc thành lập công ty để có pháp danh. Sau đó, muốn làm ngành nghề gì thì làm, tôi đăng ký chắc cũng hơn 100 ngành nghề. Công ty bắt đầu hoạt động, tôi tiếp tục đi tìm sản phẩm để kinh doanh. Thấy sản phẩm nào có khả năng bán được, tôi đi tìm xưởng và người bán giá rẻ để lấy hàng bán. Trước đó, tôi đã qua Singapore và thấy sản phẩm may mặc dán nhãn “Made in Vietnam” họ bán với giá tôi không thể tưởng tượng nổi. Lúc đó, tôi nhẩm tính giá họ bán so với Việt Nam phải gấp 10 lần. Bắt đầu tôi về lại Việt Nam để tìm nguồn hàng kinh doanh. Tôi tìm kiếm, đi thực tế kết hợp với internet để tìm người bán. Cuối cùng, tôi cũng tìm ra sản phẩm mình cần. Nhập hàng bán thử, bán được hàng cho bạn bè ở nước ngoài, tôi bắt đầu mua vé máy bay để sang thị trường nước ngoài buôn bán. Bắt đầu cuộc hành trình, mục tiêu thì có sẵn nhưng kiến thức thì chưa. Vừa bán hàng, vừa tìm kiếm nhân sự, tìm khách hàng, tôi lăn lộn khắp chợ búa ở nước ngoài, siêu thị, kết hợp với mạng internet, làm tới đâu sửa tới đó. Khi bạn làm một mình và không có kiến thức thì rất khó khăn, giống như bạn học ngôn ngữ vậy. Nhiều người đau khổ khi học không tới nơi tới chốn. Nhưng điều may mắn lúc đó với tôi là hàng bán được, có tiền tôi triển khai công việc rộng hơn. Có tiền, tôi tuyển thêm nhân sự, mời bạn bè giúp tôi, vì họ thấy tôi kinh doanh ăn nên làm ra nên cũng ra sức giúp tôi. May mắn không lâu, nhiều vấn đề ập đến làm cho công việc kinh doanh đang thuận lợi thì một mắt xích bị rớt, dẫn đến vấn đề nhỏ trong công ty ảnh hưởng đến những vấn đề lớn. Hàng hóa bán buôn vẫn đều đều nhưng tinh thần lúc đó đi xuống. Rồi tôi bắt đầu lên mạng tìm hiểu làm sao để kinh doanh thành công, học hỏi phương pháp 10%, phương pháp phiếu… tôi tự học là chính. Tôi bắt đầu lên YouTube tìm kiếm, theo dõi những người thành công và không thành công để học phương pháp.

Lúc đó, tôi thường theo dõi anh Tài, người Việt Nam vượt biên qua Mỹ. Vì cuộc sống quá khó khăn nên gia đình anh dọn vào khu người châu Phi để sống. Anh kết giao với bạn bè xấu nên bị bắt vì tội buôn bán ma túy, phải ở trong tù hơn 10 năm. Sau khi ra tù, anh bắt đầu làm lại cuộc đời và trở thành người thành công. Tôi cũng theo dõi anh trên các trang YouTube vì anh hay chia sẻ những phương pháp tạo ra giá trị, phương pháp thành công. Trong các video, anh giải thích về những hệ thống để phát triển kinh doanh, tôi bắt đầu bắt chước để làm, nhưng không dễ để thành công vì tôi vẫn đang thiếu một điều gì đó. Tôi bắt đầu gửi thư cho anh nhờ chỉ dạy, nhưng anh không trả lời. Tôi vẫn không ngừng tiếp tục công việc và tìm kiếm học hỏi từ nhiều người khác. Mãi đến 12 năm sau, tôi thấy anh dạy về thiền. Anh tên Tài Zen. Sau này, tôi mới biết “Zen” là thiền, một môn thiền của Nhật Bản. Tôi bắt đầu học theo trong đoạn video, anh có nói về cuốn sách thiền Zen. Mặc dù tôi không biết tựa đề nhưng nội dung anh nói, tôi dựa vào đó để tìm ra cuốn sách thiền. Đó là cuốn sách tựa đề: The Three Pillars of Zen. Tôi không biết anh có học theo cuốn sách đó không, nhưng tôi thấy cuốn sách đáng học. Tôi bắt đầu thiền định; lúc đầu tôi ngồi 15 phút, rồi vài ngày sau tôi ngồi 30 phút. Sau đó, đều đặn mỗi ngày tôi ngồi thiền. Thiền định đã thay đổi cuộc đời tôi. Khi tôi làm ra của cải vật chất, tôi giữ lại được, mặc dù lúc này tôi kiếm tiền không nhiều bằng lúc tôi mới 27 tuổi, thời điểm tôi đang kinh doanh bên Philippines. Lúc trước khi biết đến thiền định, tôi làm ra nhiều tiền nhưng không biết cách giữ tiền. Sau khi biết đến thiền, tôi đã giữ được số tiền mình làm ra.

Có một câu chuyện về người hàng xóm. Một buổi sáng, tôi đi làm, khi đứng chờ thang máy để xuống tầng hầm lấy xe, tôi vô tình nhìn vào nhà anh hàng xóm tên Lâm. Từ ngày hai vợ chồng ly dị, anh nhận nuôi 2 cô con gái, nhà anh có thêm một đứa cháu ở chung nữa, nên có tới 3 cô con gái. Buổi sáng, anh thường mở cửa cho thoáng nhà, nên khi đó tôi nhìn vào trong. Phía bên trong là những kệ giày chất đầy những đôi giày mắc tiền, có cũ có mới. Họ chất lên 5 cái kệ giày, mỗi kệ rộng 90cm và cao 1m, đặt sát tường từ cửa chính đi vào. Kệ chất những đôi giày của 3 cô con gái trong nhà, 3 cô mà phải dùng tới 5 cái kệ giày. Còn thêm một đôi dép xỏ ngón màu đen cũ kỹ để phía ngoài cửa, được xếp gọn gàng dưới sàn nhà. Đó là đôi dép của anh Lâm. Hàng ngày, chúng tôi gặp nhau vì ở cùng tầng chung cư. Anh mang đôi dép đó đi mua đồ ăn sáng, đi chợ, có khi tôi gặp anh ngoài đường lúc đi mua vật tư cho xưởng may, anh vẫn mang đôi dép đó. Hiện tại, anh là người lo cho 3 đứa con gái, cũng làm ra tiền để nuôi 2 cô con gái và một đứa cháu đã đi làm. Anh có nhà, có xe tự mua. Còn 2 cô con gái thì đang đi học, nên tất cả tiền đều do anh chu cấp.

Ngày trước, khi tôi chưa biết đến thiền định, giày tôi cũng rất nhiều, vì mỗi khi mua sắm vào dịp Noel cuối năm, tôi hay đến các Mall ở Philippines mua giày, tôi mua vừa mang vừa để dành. Nhưng từ khi biết đến thiền định, tôi chỉ mang một đôi giày và cũng không mua quần áo thường xuyên. Tôi không còn cảm thấy khó chịu khi nhìn những đôi giày trong shop. Tôi không thích nữa, càng đơn giản tôi càng thấy thoải mái. Tôi cũng không biết tại sao. Từ ngày nhờ video thiền định của anh Tài Zen, tôi bắt chước theo và bây giờ tôi đã thay đổi cuộc đời như con sâu lột xác thành con bướm. Một điều kỳ lạ là tôi nhìn nhận con người rõ rệt hơn; khi nói chuyện hay tiếp xúc với ai, tôi nhìn thấy được tâm của họ muốn gì, từ đó biết người đó đang dùng tâm tốt hay tâm xấu để xử lý vấn đề họ đang làm. Tôi học được sự đơn giản; khi bạn đơn giản trong tâm thì việc dùng tiền cũng ít đi, việc tìm kiếm bạn bè cũng nhanh hơn. Hầu như những người bạn sau này của tôi đều là những người bạn chất lượng, đúng mục tiêu của tôi hơn. Đặc biệt, tôi cũng không nhậu, không làm những điều ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi học được câu: “Thân thể là đền thờ của Đức Chúa Trời”, nên mình phải biết giữ cho sức khỏe tốt, không làm gì hại thân thể mình, giữ cho thân, tâm sạch sẽ. Tôi cảm ơn những người đã chỉ dạy cho tôi và biết ơn họ vì đã cho tôi học hỏi kinh nghiệm từ họ. Giờ mình chưa biết thì việc đơn giản nhất là bắt chước hành động của những người thành công, luyện tập mỗi ngày.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *